Đền thờ Chu Văn An nằm ở vùng núi Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2008. Đền gồm 3 khu di tích chính là Đền thờ, Lăng mộ thầy Chu Văn An và Điện Lưu Quang - nơi thuở xưa thầy Chu Văn An dạy học.
Toàn cảnh khu đền thờ Chu Văn An nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Chánh
Đi qua hơn 100 bậc đá là Ngôi đền thờ thầy giáo Chu Văn An, nơi đây được xây dựng trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng của núi Phượng Hoàng. Đền thờ có kiến trúc theo kiểu chữ “Nhị”, dựa theo kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm hai tầng tám mái.
Cách Đền khoảng 600m là khu lăng mộ thầy Chu Văn An. Theo truyền thuyết, vị trí đặt mộ thầy chính là đầu của chim Phượng, được hiểu là đỉnh cao của công lý và đức hạnh. Cách mộ khoảng 50m về phía Tây có một giếng nhỏ, du khách đến viếng mộ thầy, mỗi người đều muốn uống một ngụm nước từ giếng để khí thiêng sông núi nơi đây ngấm vào cơ thể mình.
Khu lăng mộ Thầy giáo Chu Văn An. Ảnh: Minh Chánh
Người dân tin rằng uống nước giếng có thể thấm được tinh thần của nơi này. Ảnh: Minh Chánh
Cách đền thờ thầy Chu khoảng 100m về phía Tây là Điện Lưu Quang - nơi dạy học của Chu Văn An. Điện được xây dựng bằng gỗ lim trên một vị trí thoáng đãng giữa đất trời với lối kiến trúc chữ đinh, chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh tầm vóc một danh nhân, những đầu đao trên mái đền cong vút thanh thoát, nóc đắp nổi lưỡng long chầu nhật. Trong nền điện Lưu Quang tìm được một tượng bằng đá cao 80cm, dân gian đồn rằng đó là tượng thầy Chu.
Chu Văn An nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1392). Do có tài năng xuất chúng, nên mới ngoài 20 tuổi, ông đã được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy thái tử và con em các quan lại học tập.
Về với khu di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An, các du khách sẽ được đắm chìm vào không gian linh thiêng với những câu chuyện lưu truyền về tài đức của thầy.
Lương Trang