Làng Kim Mã là một ngôi làng cổ, tương truyền hình thành từ thế kỉ 11 dưới triều đại nhà Lý và là một trong Thập tam trại (13 trại) ở phía tây của kinh thành Thăng Long xưa. Hội làng hàng năm đều được tổ chức tại đình Kim Mã.
Đình Kim Mã nép mình trong một con ngõ nhỏ trên phố Kim Mã, Hà Nội
Không được biết đến nhiều như các lễ hội danh tiếng, vậy nên phải có chủ đích tìm hiểu thì người ta mới biết đến một trong những hội làng mang đậm tính dân gian truyền thống trong lòng phố thị như hội làng Kim Mã.
Điểm nhấn của bất cứ lễ hội làng nào là nghi thức dâng hương và tế lễ Thành hoàng làng, hội làng Kim Mã cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các vị Thành hoàng của làng gồm Đức Thánh Phùng Hưng, Linh Lang đại vương và Thái tể Hoàng Phúc Trung.
Chính điện đình Kim Mã
Theo thông lệ, nghi thức tế lễ tại đình Kim Mã sẽ do một đội gồm 12 người đàn ông có vai vế trong làng đảm nhiệm, trong đó có 1 người tế chủ được lựa chọn khắt khe, nhất định phải là người trong làng, có vị trí trong xã hội, gia đình toàn vẹn, con cái ngoan thảo, hiếu lễ. Đội dâng hương gồm khoảng 20 phụ nữ trung niên tài sắc trong làng phụ trách.
Đội tế lễ namNgười tế chủ trong lễ hội năm nay là anh Nguyễn Văn Luận
Bác Lê Vòng, thành viên đội tế lễ bên vợ và con gái
Bác Nguyễn Đình Chuyền, trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Đình Kim Mã cho biết, ngày lễ hội mùng 10 tháng Giêng là để tưởng niệm ngày tức vị của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Vào ngày này, đội tế lễ sẽ tổ chức lễ rước long trọng từ đình Kim Mã ra cố lăng Phùng Hưng ở cách đó khoảng 300m để làm lễ tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc, sau đó lại rước long ngai, bài vị của Ngài trở về nơi thờ trong làng.
Bác Nguyễn Đình Chuyền, trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Đình Kim Mã
Bác Đoàn Viết Khoa, người làng Nghi Sơn, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, nơi cũng thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng cho biết các bản đình cùng thờ một vị Thành hoàng làng năm nào cũng có sự phối hợp, giao lưu, trao đổi để làm sao tổ chức long trọng và phổ biến lễ hội truyền thống tới mọi người.
Bác Đoàn Viết Khoa, làng Nghi Sơn, phường Đồng Mai, quận Hà Đông
Có mặt tại ngày hội quan trọng nhất trong năm của Đình Kim Mã, bác Nguyễn Thị Kim và bác Trần Thanh Thúy, vốn xuất thân ở làng Kim Mã không giấu được niềm phấn khởi và tự hào khi được tham dự ngày hội làng truyền thống. Với các bác, tuy đã lớn tuổi nhưng niềm háo hức với ngày hội làng không hề suy giảm theo năm tháng, trái lại, vẫn vẹn nguyên cảm giác háo hức mong chờ, niềm hy vọng và hạnh phúc... bởi vậy nên các bác luôn khuyến khích con cháu cùng dự hội làng, giữ gìn những giá trị truyền thống.
Bác Nguyễn Thị Kim và bác Trần Thanh Thúy, người làng Kim Mã
Đã 4,5 năm liền theo mẹ dự hội làng nhưng cháu Vũ Thanh Nga, học sinh lớp 8 vẫn cảm thấy háo hức như ngày đầu. Cháu chia sẻ, dự hội làng đã là truyền thống hàng năm của gia đình và năm nào cháu cũng đều cầu mong các vị Thành hoàng làng ban cho may mắn và an lành cho cả gia đình.
Cháu Vũ Thanh Nga và mẹ
Không phô trương, huyên náo, lễ hội của các ngôi làng cổ trong lòng Hà Nội vẫn luôn lặng lẽ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và là một điểm đến hấp dẫn đầu xuân năm mới. Từ các cụ già cho đến các cháu nhỏ của làng Kim Mã đã, đang và sẽ giữ gìn và tiếp nối truyền thống của cha ông để lại để những du khách có dịp dự hội làng đầu năm sẽ phải thốt lên "có một hội làng giữa phố thị" như thế...
Anh Vũ, Vietnam Journey