Video Tin trong nước

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS.
15:18 - 23/10/2020

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ ra những vấn đề bất cập cần sửa đổi như việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV; việc quy định về xét nghiệm cho trẻ em dưới 16 tuổi, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối không còn phù hợp với thực tiễn; Sự không thống nhất giữa Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống ma túy và Luật HIV về quy định người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế dẫn đến họ vẫn có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các điều, khoản cụ thể cho phù hợp do dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Về đề nghị bãi bỏ Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lực dành cho công tác phòng, chống AIDS, đặc biệt nguồn viện trợ quốc tế liên tục giảm thì việc huy động nguồn nội lực là rất quan trọng. Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc bãi bỏ Quỹ này.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị cần bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV nhằm bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS; để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới và tình hình dịch tễ HIV/AIDS trong thời gian tới.

Vũ Khuyên - Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.