Video Tin trong nước

Quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách

Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

21:07 - 30/10/2023

Quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách

Thảo luận tại nghị trường, các đại biểu đánh giá, việc Quốc hội phêt duyệt chủ trương 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, nguyên nhân tái nghèo một phần là do việc thiết kế các chương trình giảm nghèo chưa hợp lý, chưa mang tính bền vững cao. Đặc biệt, trong số 7 dự án của Chương trình thì không có dự án nào về nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân trong các địa bàn khó khăn. Điều này đã khiến việc khám và điều trị bệnh ở các địa phương còn nhiều bất cập, không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, không có phương tiện để chăm sóc, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu nên tỷ lệ gặp biến chứng của người bệnh ở các địa phương nghèo là rất cao.

Đối với những nội dung trùng lặp giữa 3 chương trình nhiều đại biểu đề nghị nên tích hợp để tổ chức thực hiện tại một chương trình cụ thể. Đồng thời, cần có các hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia để giúp cho các địa phương thực hiện thống nhất, hiệu quả./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng