Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ trong 4 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa và bỏ quy hoạch trung tâm đăng kiểm theo vùng và địa phương, đã có tới 117 trung tâm được thành lập mới, tăng khoảng 80%. Xã hội hóa đăng kiểm vẫn được xem là giải pháp để hạn chế tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm, nhất là những tâm ở các thành phố lớn. Cùng với chủ trương xã hội hóa, từ năm 2019, quy định về phát triển các trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương cũng được gỡ bỏ. Tuy nhiên, kể từ đó, dường như các trung tâm đăng kiểm đã phát triển vượt tầm kiểm soát.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là do “nở rộ” quá nhiều trung tâm đăng kiểm xã hội hóa trên cả nước. Hiện, số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới là 280, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở GTVT và 20 thuộc Cục Đăng kiểm. Hà Nội có số lượng lớn nhất với 31 đơn vị, khoảng 60 dây chuyền kiểm định, trong đó hơn 2/3 do các DN đầu tư. Sự gia tăng trung tâm đăng kiểm được cho là bắt nguồn từ việc bỏ quy định các đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm, sau khi có Nghị định 139 của CP.
Sau khi những tiêu cực trong đăng kiểm bị phanh phui thì đã có hàng loạt các chỉ đạo từ Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm chấn chỉnh công tác này. Một trong số các giải pháp được đại diện Cục đăng kiểm nêu ra đó là sẽ siết chặt việc cấp phép thành lập các trung tâm đăng kiểm cơ giới, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra các hoạt động này.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương