Video Tinh hoa bàn tay Việt

Nón lá Phú Châu – Giữ hồn quê đất Việt

Những chiếc nón lá ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội mang vẻ đẹp độc đáo, truyền thống. Nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nón lá Phú Châu vẫn được phát huy, gìn giữ đến nay, góp phần làm giàu thêm nét văn hóa của mảnh đất xứ Đoài xưa.
17:35 - 12/08/2024

Nón lá Phú Châu – Giữ hồn quê đất Việt

Nghề làm nón có ở nhiều địa phương trong nước, nhưng riêng ở Phú Châu mới làm ra được những chiếc nón tinh xảo, gần như không thấy mũi khâu. Nghề làm nón tại đây bắt đầu hình thành từ năm 1939, khi có một cô gái làng Chuông tên Phạm Thị Nhàn ở huyện Thanh Oai lấy chồng về xã đã mang theo nghề từ quê rồi truyền lại cho mọi người. Nhưng chính những người thợ, những nghệ nhân làm nón ở Phú Châu đã nâng kỹ năng chằm nón mà họ học được lên tầm nghệ thuật độc đáo. Từ đó, nghề làm nón như một phần hơi thở của cuộc sống bà con nơi đây, nó không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh mà hơn hết là “hồn cốt” của dân làng Phú Châu.

Nghề may nón là nghề thủ công nhẹ nhàng nhưng phải trải qua nhiếu công đoạn. Từ lấy lá trên rừng tới chẻ nứa, vót vanh, là lá, quay nón, may, tra nhôi… được một cái nón hoàn chỉnh cũng mất nửa ngày. Phải là những người phụ nữ chăm chỉ, khéo léo lắm mới làm được các công việc ấy nhưng nơi đây từ trẻ em đến người già ai ai cũng thành thạo.

Nguyên liệu làm nón thường là lá đót trên rừng, được người dân nhập về từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Để làm nên một chiếc nón đẹp yêu cầu người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tẽ lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre, nứa làm vanh cũng phải được vót thật tròn, đều, khi may tránh làm đứt cước.

Cái tài của người thợ Phú Châu là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu… Những chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí vào lòng nón những họa tiết hoa lá bằng giấy sắc màu hoặc chỉ khâu nhiều vòng giăng mắc ở hai điểm đối diện để buộc quai nón…

Để có một chiếc nón hoàn chỉnh, người làm nón phải cẩn thận trong từng công đoạn, kiên nhẫn và khéo léo với từng đường kim, mũi chỉ.

Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển, nón Phú Châu ngày càng được cải tiến và tạo nên nét đẹp độc đáo truyền thống nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng nghề. Dù ngày nay, nón lá bị thay thế bằng nhiều kiểu mũ thời trang, nhưng ở Phú Châu phiên chợ xã chưa bao giờ vắng bóng nón lá.

Chiếc nón lá mộc mạc không chỉ đơn thuần là một vật dụng che mưa che nắng mà chứa đựng trong đó là cả một kho tàng giá trị lịch sử và văn hóa của người dân nơi đây. Mỗi chiếc nón đều đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại.

Nghề làm nón lá ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội, không đơn thuần là một nghề mưu sinh mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa - một phần hơi thở cuộc sống của bà con nơi đây./.

Thực hiện: Hải Hà – Hoàng Thuyên