Video Phóng sự VOV

Mô hình thu gom rác thải nhựa tại Hà Nội

Mô hình thu gom rác thải nhựa tại Hà Nội, tiêu biểu như tiêu biểu của dự án là mô hình “Thu gom rác thải nhựa ở các trường học tại Hà Nội”, giúp các hộ gia đình biết cách phân loại các loại rác có thể tái chế.
20:49 - 09/01/2023

Với mục đích tăng cường hiệu quả quản lý và xử lý chất thải nhựa và giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường hàng năm, Quỹ Pepsico thông qua tổ chức Give2Asia tài trợ dự án: “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”. Dự án do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện trong 36 tháng từ tháng 1 năm 2020 tới tháng 12 năm 2022. Dự án có các mục tiêu cụ thể: Giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa qua đó thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng nhằm hạn chế sử dụng và giảm rác thải nhựa dùng một lần ra môi trường.

Một trong những hoạt động tiêu biểu của dự án là mô hình “Thu gom rác thải nhựa ở các trường học tại Hà Nội”. 

Tại trường phổ thông Thực Nghiệm, 7h sáng thứ 6 hàng tuần, các em học sinh của trường lại tập trung ở sân trường, trên tay các em cầm theo 1 bọc phế liệu đã được làm sạch và phân loại cẩn thận, tất cả số phế liệu này sẽ được các em đóng góp vào “Mô hình thu gom rác thải nhựa tại Hà Nội” do nhà trường và Trung tâm Giáo dục và Phát triển phát động và triển khai từ giữa tháng 9 năm 2022. Mỗi buổi thu gom rác sẽ có các tình nguyện viên của dự án có mặt hướng dẫn các em và phối hợp với nhà trường giúp các em phân loại rác một cách chính xác trước khi mang đi. 

Sau 3 năm hoạt động, dự án đã nâng cao nhận thức được cho hơn 14,000 sinh viên và người lớn từ 18 tuổi trở lên, và 10 ngàn học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước. Số lượng hơn 4 tấn rác nhựa thu gom trong hơn 2 tháng đã cho thấy rõ hiệu quả của mô hình thu gom rác thải nhựa tại trường học. Tuy nhiên, mô hình thu gom hiện nay đang được triển khai dưới sự hỗ trợ của Quỹ Pepsico thông qua Quỹ Give2asia và sự hỗ trợ từ phía công ty cổ phần Lagom Việt Nam. Trong tương lai, để duy trì và mở rộng mô hình này rất cần sự ủng hộ của các doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp sản xuất và sử dụng nhiều bao bì nhựa. Việc phân loại đúng cách tại nguồn không chỉ mang lại nguồn nguyên liệu rác sạch cho các doanh nghiệp tái chế nói riêng, mà còn giúp các doanh nghiệp nói chung dễ dàng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định ngày 01/01/2025 sẽ là thời điểm bắt đầu áp dụng xử phạt đối với các trường hợp phân loại rác thải không đúng quy định, xả càng nhiều rác càng phải trả nhiều tiền cho đơn vị thu gom xử lý. Mô hình thu gom rác thải nhựa tại trường học không những giảm lượng nhựa thải ra môi trường mà còn góp phần nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho các em học sinh, giáo viên trong trường và thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh học sinh. Mô hình đã giúp các hộ gia đình biết cách phân loại các loại rác có thể tái chế, chuẩn bị cho việc vận hành hệ thống phân loại thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn trong thời gian tới.