Video Phóng sự VOV

Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bình Dương

Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, làng nghề truyền thống, các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền, khu vực nông thôn tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch nông thôn.
22:04 - 20/10/2023

Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bình Dương

Là một xã thuần nông, nằm ở phía Đông Nam của thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Bạch Đằng không chỉ được biết đến là một vùng trồng bưởi lâu đời và có tiếng ở khu vực Đông Nam bộ mà nơi đây còn là điểm đến thu vị trong hành trình du lịch xanh của thị xã Tân Uyên và tỉnh Bình Dương. Cùng với cuộc sống ôn hòa và bình dị của người dân địa phương, không gian xanh và những sản phẩm từ cây bưởi hàng năm thu hút lượng lớn du khách từ các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm.

Ông Dương Văn Minh, nông dân trồng bưởi ở xã Bạch Đằng cho biết, từ khi kết hợp phát triển du lịch sinh thái, bưởi Bạch Đằng được nhiều người biết đến, giá bưởi cũng tăng lên. Ngoài bán trái trực tiếp, gia đình ông còn chế biến được các sản phẩm từ bưởi như chè bưởi, rượu bưởi, mứt bưởi...Việc đa dạng hóa sản phẩm đã giúp tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, quảng bá và đưa hình ảnh, danh tiếng quả bưởi Bạch Đằng đi xa hơn.

Bên cạnh thế mạnh phát triển du lịch từ nông nghiệp, Bình Dương còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống lâu đời nổi tiếng như gỗ, gốm sứ, sơn mài, mây tre đan...

Từ nhiều năm qua, sản phẩm của Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc ở khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, các tỉnh, thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đến đây, du khách không chỉ được tận tay lựa chọn, mua những sản phẩm ưng ý mang về, mà còn có thể tìm hiểu, có thêm những trải nghiệm thú vị về những công đoạn sản xuất các mặt hàng mây tre đan tại cơ sở này.

Mô hình du lịch nông nghiệp ở Bình Dương đã phát huy hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp tăng thu nhập, giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành sự liên kết, phối hợp giữa các hộ dân; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa chuyên nghiệp; lượng du khách có tăng nhưng không bền vững, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các hệ thống chính trị-xã hội và các địa phương như Bình Dương, định hướng phát triển du lịch nông thôn sẽ sớm được hoàn thiện và hoạt động theo quy hoạch, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nông thôn Việt Nam nói chung và phong trào xây dựng nông thôn mới nói riêng./.


Thực hiện: Minh Quyên – Ngọc Toàn