Video Làng nghề Việt

Bánh đa Kế - Đậm đà hương vị Kinh Bắc

Làng Dĩnh Kế xưa nổi tiếng với nghề làm bánh đa nướng ngon trứ danh. Xưa kia, bánh đa Kế là món ăn dân dã của người dân vùng đất thuần nông. Ngày nay, bánh đa Kế trở thành món quà quê đặc sản truyền thống vùng Kinh Bắc được nhiều du khách lựa chọn.
15:27 - 27/06/2024

Bánh đa Kế - Đậm đà hương vị Kinh Bắc

Bắc Giang nằm ở khu vực Đông Bắc bộ, là vùng chuyển tiếp giữa khu vực miền núi phía Bắc với đồng bằng Sông Hồng, địa hình đa dạng, đồi núi xen lẫn thung lũng và đồng bằng. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, địa chất ổn định, đất đai màu mỡ, trù phú, nông nghiệp phát triển nên các loại cây lương thực như ngô lúa sắn phát triển chính vì vậy những nghề phụ làm bánh đều được hình thành từ lâu. Trong đó nghề làm bánh đa Kế đã được hình thành hàng trăm năm trước

Theo các bậc cao niên làng Kế, nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Kế đã hơn 600 năm, lưu truyền từ đời này nối tiếp đời kia cho đến ngày nay. Vài chục năm trước, nghề làm bánh đa được coi là nghề xóa đói giảm nghèo cho nhân dân và nay được coi là nghề phát triển làm giàu bền vững

Người Làng Kế bảo, thưởng thức bánh đa Kế cũng là thưởng thức một loại hình ẩm thực truyền thống. Bởi, đây là một nghề “cha truyền con nối” từ xa xưa các cụ để lại cho người Dĩnh Kế nay. Hương vị của miếng bánh đa Kế là hương vị của quê hương xứ sở, là công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian. Bánh đa Kế phụ thuộc vào thời tiết nên người dân làm bánh đa quanh năm, ngoại trừ những ngày mưa, bánh đa không thể phơi được, phải đem sấy khô thì bà con làm ít hơn. 

Từ những nguyên liệu chính trên quê hương như lạc, vừng, gạo nếp... bằng phương thức truyền thống, những người làng Kế đã tạo ra sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng của quê hương mình. Để làm ra chiếc bánh, mỗi gia đình có một công thức riêng và phải thực hiện qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Tùy thời tiết mà quyết định thời gian ngâm gạo, như mùa hè nắng nóng nhiệt độ cao thì chỉ cần ngâm 1 – 2 tiếng là có thể xay gạo. Gạo nguyên liệu chủ yếu được các thợ làm bánh ở làng Kế nhập từ một số tỉnh thành như Hải Dương, Nam Định và Thái Bình. Sau khi ngâm gạo sẽ là xay gạo, xay gạo 2 lần để đảm bảo bột mịn. Tiếp đến là tráng bánh. Đây là công đoạn quan trọng nhất khi làm bánh đa Kế. Tráng bánh chín, bánh sẽ được giàn lên trên giàng tre, và được mang ra nắng phơi ngay để cho bánh khô. 

Hình ảnh quen thuộc và vô cùng thân thương khi ghé đến những thôn xóm ở Dĩnh Kế hẳn là những tấm vỉ bằng tre nứa được trải đều dưới nắng vàng rực rỡ. Bánh đặt trên phên nứa phải phẳng phiu, đè góc để trong quá trình phơi không bị khô cong Bánh đa Kế là một trong những nghề phụ thuộc đặc biệt vào thời tiết, phụ thuộc vào ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy người làm bánh phải căn giờ làm sao bánh phải được phơi no nắng. 

Kỹ thuật nướng cũng rất quan trọng, chiếc bánh ngon hay không phụ thuộc nhiều ở công đoạn này, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, nướng bánh đều tay, không để bị cháy và chín giòn đều. 

Những món quà vặt dân dã dường như luôn có một sức cuốn hút rất riêng, mộc mạc nhưng không kém phần thơm ngon khiến cho người ta mê mẩn. Bánh đa kế Bắc Giang không chỉ là một đặc sản hấp dẫn mà hơn thế còn là tinh hoa ẩm thực và miền kí ức gợi nhớ đến truyền thống ẩm thực Bắc Bộ, đến quy trình nhọc nhằn tạo nên thành phẩm và cả một khoảng trời tuổi thơ đong đầy kỉ niệm./.

Thực hiện: Lan Anh - Sỹ Thành