Mây tre đan Đống Vũ – Mộc mạc hồn quê
Đống Vũ thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, từ lâu có tiếng làm nghề mây tre đan truyền thống. Đến nay, làng nghề vẫn phát triển và tập trung xuất khẩu ra nước ngoài. Thời điểm hưng thịnh nhất của làng nghề là vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó gần như cả làng, cả xã, nhà nào cũng làm mây tre đan. Dù có lúc thăng lúc trầm, nhưng ở Đống Vũ chưa bao giờ vắng người chẻ nan, đan lát.
Để có được sản phẩm mây tre đan bền chắc và đẹp mắt thì nguồn nguyên liệu là tre, nứa, mây phải được tuyển chọn loại tốt. Nguyên liệu được chẻ nhỏ và mỏng đảm bảo độ đều như nhau, rồi được đem phơi khô. Nan được chẻ bằng tay đối với những phần tre để cạp vành. Còn nan để đan tấm mê thì chủ yếu đã được chẻ bằng máy để năng suất cao hơn.
Với sự khéo léo, cần mẫn, những người thợ Đống Vũ tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để ngồi đan. Mỗi sợi nan được đan vào nhau để kết nối thành từng tấm mê. Có thể đan theo cách đơn giản một sợi lên một sợi xuống hay được đan theo hình hoa văn trang trí bắt mắt dựa trên sự cách điệu của một số loài hoa. Tùy theo kiểu dáng của mỗi sản phẩm mà yêu cầu về độ to hay nhỏ của nan là khác nhau. Nan to thì đan nhanh hơn. Nan nhỏ thì mất nhiều công sức hơn nên giá sản phẩm cũng cao hơn.
Mỗi gia đình ở Đống Vũ làm nghề mây tre đan có xu hướng tập trung một một số công đoạn riêng biệt. Có nhà chuyên cung cấp nguyên liệu. Có người chỉ chuyên đan tấm mê. Có nơi sẽ chuyên cạp tạo hình sản phẩm. Để làm ra những sản phẩm bền, đẹp, người thợ phải trau chuốt trong từng công đoạn. Ở công đoạn cạp đòi hỏi tay nghề của người thợ cao hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Từ tấm mê, người thợ đưa vào khuôn và khéo léo tạo hình cho sản phẩm được vuông vức và đẹp mắt. Những sợi nan kết nối với nhau ở công đoạn đan ở cùng một mặt phẳng bỗng chốc được tạo khối, tạo hình trở thành một sản phẩm đẹp mắt có tính ứng dụng cao trong đời sống.
Để duy trì và phát triển nghề mây tre đan, người làm nghề ở Đống Vũ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngày nay, ngoài làm những sản phẩm truyền thống, người làng Đống Vũ còn làm theo yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm truyền thống của nghề mây tre đan Đống Vũ trước đây chỉ là những cái rổ, rá, dần, sàng… nay đã được phát triển theo hướng đa dạng sản phẩm mang tính ứng dụng vào đời sống hiện đại. Những chiếc lồng bàn được thiết kết với nhiều kiểu dáng khác nhau đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng. Hay những chiếc khay có kiểu dáng, họa tiết hiện đại để đựng bánh kẹo hay trang trí… Những cách đan mới được người dân Đống Vũ học hỏi từ nhiều miền quê khác nhau để tạo nên những cách làm riêng cho mình. Sự kết hợp cả màu sắc truyền thống và hiện đại với những nét tinh tế độc đáo riêng mang đến sức sống mới cho nghề truyền thống./.
Thực hiện: Việt Hoa - Trọng Đại