Video Cội nguồn di sản

Đình - Đền - Chùa Kim Giang: Tiếng vọng từ ngàn xưa

Nép mình bên dòng sông Tô Lịch, Đình, đền, chùa Kim Giang tạo nên một cụm di tích lịch sử văn hóa đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, vẫn còn vang vọng giá trị từ ngàn xưa.
08:12 - 29/09/2024

Đình - Đền - Chùa Kim Giang: Tiếng vọng từ ngàn xưa

Con sông Tô Lịch gắn với kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Bên dòng sông ấy, làng Kim Giang, tên Nôm là Lủ Cầu, vốn là một xóm của làng Lủ trước kia, là một làng cổ nổi tiếng với nhiều di tích chứa đựng những giá trị độc đáo.

Đình Kim Giang là nơi thờ Mạo Giáp Hoa, vị danh tướng thời Vua Lê Anh Tông thế kỷ XVI (1556 – 1573). Thần tích kể rằng mẹ ông mang thai ông 12 tháng, trở dạ 10 ngày mới sinh ra ông. Chính từ sự khác biệt này mà ông có tướng mạo khác người, khuôn mặt chữ điền, bụng chữ tam, trên da có vân sắc đẹp tựa hoa. Ông vốn thông minh sáng dạ nên năm lên 16 ông thi Đình đỗ đầu bảng, được cử làm đốc học tỉnh Sơn Tây sau phong làm Tham tri Bộ Binh. Đúng vào thời kỳ này, quân Chiêm Thành xâm lược, ông được cử thống lĩnh 3000 quân sĩ đến đạo Sơn Tây dẹp tan quân giặc. Trên đường dẫn đại quân chiến thắng trở về Thăng Long, qua Trại Cầu, trang Kim Lủ, phủ Thường Tín, ông cho quân nghỉ lại mở tiệc ăn mừng cùng nhân dân địa phương và ban tiền cho người dân tu bổ xây dựng đền miếu. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công ơn của một vị tướng tài, nhà Vua phong ông là Thượng Đẳng Thần và được chính dân Trại Cầu xưa, sau là làng Kim Giang, thờ phụng làm Thành Hoàng, tôn vinh là Thánh Cao Sơn.

Nằm không xa Đình Kim Giang, Đền Kim Giang có tên chữ là Kim Giang Linh Từ, thờ Mẫu Sòng - Mẫu Liễu Hạnh , một trong “tứ bất tử” nổi tiếng linh thiêng trong tín ngưỡng người Việt. Theo bia ký, Đền Kim Giang được lập từ thế kỷ XV, sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, tới nay Đền có quy mô khá đồ sộ và đặc biệt, còn giữ được những kiến trúc nghệ thuật đặc trưng thế kỷ XIX cùng hệ thống di vật khá phong phú. 

Trong cụm di tích Đình – Đền – Chùa Kim Giang, Chùa Kim Giang nằm ngay cạnh sông Tô Lịch, mặt hướng ra sông. Chùa còn có tên là Chùa Lủ, tên chữ là Diên Phúc (có nghĩa là “hưởng phúc lâu dài”)

Theo các cụ truyền lại ban đầu chùa tọa lạc trên một khu đất rộng giáp giới của hai thôn Kim Lủ và Kim Văn. Đến nửa cuối thế kỷ XVII, hai danh nhân nhà Nguyễn là Nguyễn Trọng Hợp và Nguyễn Văn Siêu sau khi khảo sát địa giới, thấy thế đất nơi đây rộng lớn và cao ráo rất thích hợp với việc tu tập, nên quyết định di dời chùa về Kim Giang nằm cạnh Đình và Đền Kim Giang như hiện nay và tạo thành một quần thế di tích kiến trúc đẹp của Hà Nội. 

Thực hiện: Trọng Đại

Video khác