Linh thiêng quần thể di tích đình, đền, chùa Mơ Táo
Mơ Táo là một vùng dân cư xưa thuộc đất Cổ Mai (Kẻ Mơ) bên dòng sông Kim Ngưu, nay là khu dân cư số 9 số 10, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, vốn có truyền thống lâu đời gắn bó với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây có đình, đền, chùa Mơ Táo, là quần thể di tích tâm linh nổi tiếng đối với bà con trong vùng.
Khoảng 300 năm trước đây, Mơ Táo có tên là thôn An Việt với thiết chế quần thể văn hóa và tín ngưỡng hoàn chỉnh đình, đền, chùa và văn chỉ. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của lịch sử, đình Mơ Táo đã có nhiều biến đổi. Tuy nhiên, nhờ công đức của nhân dân trong đình đã được trùng tu một số lần và được bảo tồn như hiện nay. Đình Mơ Táo thờ Thành hoàng làng Đức Thánh Tam Trinh, một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Đông Hán. Đình hiện nay vẫn lưu giữ một số kỉ vật quý giá như tượng, ngai và bài vị của của Đức Thánh, 13 đạo sắc phong Thành hoàng (trong đó 7 đạo từ triều Hậu Lê và Tây Sơn, 6 đạo của triều Nguyễn). Đặc biệt là bộ kiệu bát cống chạm khắc tinh xảo sơn son thếp vàng lộng lẫy, in đậm giá trị đặc sắc của nghệ thuật cuối thế kỷ 18.
Trong chùa Mơ Táo hiện nay vẫn còn giữ được một số di vật quý, trong đó có quả chuông đúc thời Tây Sơn. Quai chuông đúc hình con bồ lao khá đẹp. Thân chuông có khắc chữ Phạn, phía dưới đúc nổi hình rồng, phượng, lá đề. Chuông do Trần Thái An làm Hiệp Trấn xứ An Quảng hưng tạo. Qua các dòng chữ Hán “Bảo Hưng nhị niên tuế tại Nhâm Tuất tu tạo”chúng ta biết chuông được làm khuôn vào năm cuối cùng của triều Tây Sơn và đến năm sau (1803) khi nhà Nguyễn nắm quyền thống trị trên cả nước, việc đúc chuông mới hoàn thành. Lời văn khắc trên chuông giúp chúng ta hiểu thêm về chính sách tôn giáo thời Tây Sơn. Chuông chùa Mơ Táo là một trong số ít quả chuông Tây Sơn còn giữ niên đại nguyên vẹn đến ngày nay.
Bộ khung gỗ Phật điện làm theo kiểu chồng rường. Trước Phật điện gắn cửa võng, phía trên treo bức hoành cổ “Lưu ly bảo điện” được điêu khắc tinh xảo, mang nhiều giá trị văn hoá, nghệ thuật thời Tây Sơn. Các tượng Phật hầu hết đều được dát vàng, do những người thợ giỏi tạo tác nên.
Trải qua hàng trăm năm cùng những biến thiên của thời gian và lịch sử nhưng đối với người dân Mai Động và khu vực lân cận sẽ vẫn luôn nhắc về những điển tích và nhiều câu chuyện về công lao của các vị thánh hay những người có công đối với quê hương, đất nước. Quần thể di tích đình, đền, chùa Mơ Táo sẽ là điểm dến tâm linh, giáo dục các thế hệ con, cháu gìn giữ, bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hoá và tín ngưỡng mà cha ông ta đã để lại. Đó cũng là niềm tự hào của người dân Mai Động nói riêng và Hà Nội nói chung.
Thực hiện: Kim Anh – Hoàng Thuyên