Đình Tây Đằng – Bảo tàng nghệ thuật thế kỷ thứ XVI
Toạ lạc trên sườn đồi, đình Tây Đằng trông về phía núi Tản Viên hùng vĩ. Nơi đây thờ Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh, một nhân vật huyền thoại, một anh hùng văn hoá có công trị thuỷ, một trong “Tứ bất tử” của tâm thức dân gian người Việt. Đình Tây Đằng là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đầy ắp các di vật quý giá cả về văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của ông cha. Ở xứ Đoài, các kiến trúc đình có nét đặc trưng riêng là bốn mặt thường để mở, không tường bao. Các gian bên để trống tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng xã.
Đã qua gần 500 năm tồn tại, nhiều lần trùng tu, đình Tây Đằng vẫn giữ được nhiều chi tiết kiến trúc gỗ theo nguyên bản từ thời Mạc, duy có hệ mái đã thay đổi hoàn toàn so với kiểu thức ban đầu. Ngày 13/1/1964, Đình Tây Đằng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Điều đặc biệt ở đình Tây Đằng là nghệ thuật điêu khắc. Hầu hết các cấu kiện gỗ đều được chạm khắc độc đáo, đặc sắc với các đề tài phong phú như: tứ linh, vân mây, hoa lá, rồng, phượng. Hình rồng, phượng ở đây được trang trí mềm mại, linh hoạt và rất hiếm gặp ở các đình làng khác. Hoa lá cũng được chạm trổ nhiều, phổ biến nhất là hoa cúc, hoa phù dung. Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả trong nghệ thuật điêu khắc ở đình Tây Đằng là những bức chạm trên các bức cốn, ván lóng phản ánh sinh động nhiều mặt cuộc sống của người dân. Chỉ với vài nét đục chạm đơn giản, các nghệ nhân xưa đã thổi hồn vào những thớ gỗ bao cảnh đời khác nhau: từ những cảnh lam lũ của người tiểu phu đốn củi, hào hứng như người làm trò trồng cây chuối, say sưa như cảnh bơi thuyền chuốc rượu, trăn trở như cảnh mẹ gánh con hoặc tình tứ như cảnh trai gái chải tóc cho nhau. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đắc sắc trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam thế kỷ XVI, XVII.
Đồng hành cùng lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Đình Tây Đằng vẫn còn bảo tồn và lưu giữ rất nhiều các giá trị văn hoá lịch sử qúy báu, đó là công sức của biết bao thế hệ con người nơi đây. Những giá trị đó ngày nay luôn được trân trọng gìn giữ, đã và đang là thứ tài sản vô giá ngày càng được khẳng định và có vị trí quan trọng trong cuộc sống đương đại của cộng đồng. Đình không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương, nơi hội tụ cộng đồng làng xã, mà còn là một bảo tàng văn hoá, nghệ thuật dân gian sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để các thế hệ được nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của cộng đồng và dân tộc./.
Thực hiện: Hải Hà – Hoàng Thuyên