Bánh gai Yên Sở - Hương vị làng dừa
Yên Sở là một xã của huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Nơi đây còn có tên gọi là làng Giá, hay Cổ Sở. Bên cạnh trồng lúa và hoa màu, từ lâu, bà con trồng thêm một loại cây. Đó là cây gai.
Đến Yên Sở vào những ngày nắng, có thể dễ dàng bắt gặp những sân phơi lá gai. Bà con phơi khoảng 7 đến 8 ngày có thể sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra thứ bánh đặc sản của quê hương, bánh gai.
Yên Sở còn từng được gọi với cái tên làng dừa. Bởi nơi đây trồng rất nhiều dừa. Người dân Yên Sở vẫn lưu truyền câu chuyện về những cây dừa được võ tướng Lý Phục Man mang về từ phương Nam trồng trên quê hương sau khi ông đánh thắng quân Chiêm Thành trở về. Chính bởi đã từng là làng dừa, rất gắn bó với những hàng dừa nên bà con nơi đây đã sáng tạo ra một chiếc khuôn bánh từ lá dừa rất độc đáo làm nên sự riêng có cho chiếc bánh gai của Yên Sở.
Kể từ khi những hàng dừa bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa. Những chiếc bánh gai khuôn dừa chỉ được làm vào mỗi dịp Tết đến xuân về, hoặc khi có khách đặt, còn lại, chủ yếu bà con vẫn làm những chiếc bánh gói lá chuối khô thông thường.
Những chiếc bánh gai được gói bằng lá chuối khô rồi đặt vào khuôn dừa, tạo thành chiếc hộp vuông bao bên ngoài. Đây là những chiếc bánh mang một hình thức đặc sắc có lẽ chỉ có ở Yên Sở. Chiếc khuôn ấy thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo của bà con nông dân và chứa đựng trong đó ký ức về làng quê với nhiều thế hệ lớn lên cùng những cây dừa.
Không ai nắm rõ nghề làm bánh gai truyền thống ở Yên Sở có từ bao giờ. Những người lớn tuổi ở làng cũng chỉ nói rằng, đã có từ lâu lắm rồi. Khi họ nhỏ, đã thấy ông bà, bố mẹ tạo ra thứ bánh đen nhánh làm từ lá gai được trồng ở ven đê. Tiếng giã bột vang lên đều khắp làng quê. Cho đến bây giờ, mỗi dịp Tết đến, hầu hết các nhà trong làng đều làm bánh gai, còn ngày thường, có khoảng 30 hộ vẫn làm và coi đây là thứ nghề để mưu sinh. Bánh gai của Yên Sở đặc biệt hơn một số nơi khác bởi vỏ bánh đen nhánh được tạo nên từ bí quyết riêng của làng dừa.
Cách xử lý lá gai là một trong những bí quyết quan trọng để tạo ra sự khác biệt của chiếc bánh mang thương hiệu làng quê Yên Sở. Bánh gai Yên Sở được làm từ lá gai khô chứ không phải lá tươi như một số vùng. Theo bà con, làm bánh bằng lá khô, bánh sẽ để được lâu hơn. Sau khi luộc lá gai, bà con cho vào máy vắt kiệt nước trước khi được xay thành bột mịn. Cách đây nhiều năm, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Nhưng ngày nay, hầu hết bà con đầu tư máy móc, nâng cao số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường. Khác với nhiều nơi, chỉ lấy nước để làm bánh, lá gai ở Yên Sở được xay thành bột mịn để trộn lẫn với gạo và đường tạo ra thứ bột để làm bánh lá gai. Có một chiếc bánh gai ngon, khâu nào cũng quan trọng, nhất là nguyên liệu vì vậy bà con luôn chú trọng sử dụng nguyên liệu ngon để tạo ra thứ quà đặc sản của vùng đất này.
Mỗi ngày, bà con nơi đây thường dậy từ sớm, chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh. Cùng là những nguyên liệu như gạo nếp...