Bánh Lá Hà Lai đậm đà hương vị quê hương
Cũng như bao vùng quê khác của tỉnh Thanh Hóa – nơi sản sinh ra thứ bánh lá răng bừa nổi tiếng, những người con của Hà Lai mỗi lần đi xa về đều nhất định phải dặn bà, dặn mẹ gói cho chục bánh lá để ăn cho đỡ nhớ. Thức quà giản dị, thơm mùi của quê hương ấy đã trở thành một phần trong kí ức tuổi thơ của người vùng này.
Bánh lá hay còn được gọi phổ biến là bánh lá răng bừa là thứ bánh được làm bằng bột gạo tẻ, nhận thịt trộn mộc nhĩ, bọc bên ngoài một lớp lá dong. Bánh được làm theo hình thuôn dài, dẹp hai đầu và phình ra ở giữa giống như lưỡi nhỏ của chiếc răng bừa nên có tên gọi bánh lá răng bừa là vì thế.
Nếu dựa vào nguyên liệu và quy trình làm bánh, bánh lá răng bừa khá giống với bánh tẻ ở ngoài miền Bắc, nhưng khi ăn ta sẽ nhận ra ngay sự khác biệt. Bánh lá có lớp vỏ bên ngoài mềm, dẻo và mướt hơn bánh tẻ nhiều. Sở dĩ có điều này là bởi bánh lá ở Hà Lai sử dụng gạo Xi 23 của địa phương – một loại gạo dẻo và thơm nổi tiếng. Gạo ngâm xong sẽ được đem xay rồi cho lên bếp đánh đều tay tới khi gạo thật dẻo mới bắc xuống để gói bánh.
Về nhân bánh, người dân Hà Lai cũng chủ yếu sử dụng thịt lợn được nuôi tại địa phương, thịt phải có cả thịt mỡ và thịt nạc thì nhân bánh mới ngậy nhưng không ngấy. Nhân bánh thường được nêm nếm vừa vặn, cho thêm một chút hạt tiêu bắc thơm lừng để vào những ngày lạnh, căn một miếng bánh ta sẽ thấy ấm nóng dần. Có lẽ vì thế mà trước đây bánh lá răng bừa hay được người dân ở Hà Lai làm vào dịp cuối năm tết đến xuân về.
Thực hiện: Nguyên Hạnh - Trọng Đại