Theo suốt dọc dài lịch sử, gắn với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, đi đến nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này cũng thấy dấu tích của những chiến công oanh liệt.
Nằm bên dòng sông Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà từ bao năm nay vẫn uy linh gắn liền với chiến công lẫy lừng của cha ông ta trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.
Đền thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tọa lạc trên một doi đất rộng, có tổng diện tích trên 5.000m2. Cổng đền có bốn trụ tạo thành ba lối đi rộng thay cho tam quan. Mỗi trụ có câu đối chữ Hán, đắp tượng long giao nghê chầu. Sân đền lát đá rộng rãi có thể chứa hàng nghìn người mỗi dịp lễ hội.
Đền Trần Hưng Đạo có kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo và một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của ông. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Quảng Ninh gắn liền với kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng, nơi lui tới thường xuyên của các thế hệ con dân đất Việt để bày tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân.
Nằm khiêm tốn ngay sát đền Trần Hưng Đạo là miếu Vua Bà, một di tích được khách tham quan không thể bỏ qua khi tới đây chiêm bái. Miếu được trùng tu xây dựng lại năm 2001, quay mặt về hướng Tây, gồm bái đường và hậu cung. Bái đường có diện tích khoảng 80m2, trang trí đơn giản đầu đao góc mái và đầu kìm ngậm bờ nóc, nhà gồm ba gian hai chái. Hậu cung có diện tích khoảng 30m2, trong hậu cung có một bệ thờ bằng đá là nơi đặt khám thờ Vua Bà.
Tương truyền, xưa kia đây là bến đò Rừng, nơi đó có một bà bán hàng nước phục vụ khách qua sông. Là người nắm chắc lịch triều, con nước lên xuống, địa thế lòng sông, chỗ nào ghềnh đá, chỗ nào nước sâu, bà đã giải thích cho vị Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo hiểu và nắm chắc lịch con nước. Không những thế, bà còn hiến kế “trại An Hưng có nhiều cỏ cây dễ cháy, hãy làm bè mảng mà thiêu đốt thuyền giặc”. Nhờ đó, Trần Hưng Đạo đã bày binh bố trận, đưa hàng chục vạn quân Nguyên Mông sa vào cái bẫy khổng lồ. Sau khi thắng giặc, Trần Hưng Đạo đã quay lại tìm bà hàng nước nhưng không tìm thấy, liền phong bà làm Quốc mẫu Vua Bà và lập miếu thờ bên cạnh cây quếch cổ thụ.
Hằng năm, lễ hội đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà được tổ chức vào ngày 8/3 âm lịch, thu hút hàng vạn du khách đến thăm viếng. Cùng với nhiều địa điểm linh thiêng khác trong quần thể Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà đã trở thành niềm tự hào lớn của chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Yên.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.