Đình cổ Hùng Lô – Biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Theo truyền thuyết xưa kể lại, Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần trong một lần đi du ngoạn, săn bắn thú vật đã đặt chân đến Hùng Lô, khi nhìn thấy cảnh đẹp, đất đai màu mỡ và cây cối xanh tốt nên Vua Hùng đã dừng nghỉ chân. Các bô lão nghe tin đã ra tiếp đón Vua Hùng và các quần thần, sau này người dân đã xây dựng nên đình thờ phụng Hùng Vương để đời đời nhớ ơn Vương Tổ. Ngôi miếu cổ hiện nay mang kiến trúc thời Lý, là kết quả sau quá trình trùng tu năm 1197 đời Vua Lý Cao Tông, ngoài cửa miếu khắc 3 chữ “Tổ Vương Miếu” nghĩa là miếu tổ của nước Nam.
Chính từ ngôi miếu cổ này, người dân Hùng Lô xưa đã xây dựng nên một quần thể miếu, đình khang trang. Trong chiều đầy nắng, những đường nét kiến trúc vừa bay bổng, vừa chất chứa suy tư. Đình Hùng Lô hay còn gọi là đình xốm với quy mô kiến trúc khá hoàn chỉnh gồm 5 gian nhà tiền tế: Phương đình, lầu chuông, lầu trống và tòa đại đình.
Bước qua Phương đình, lầu chuông, lầu trống chúng ta đến với tòa đại đình với kiến trúc 3 gian, 2 trái, 4 mái rộng cao 4 góc đao cong vút như 4 cánh hoa xòe nở, trên nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt, một biểu tượng quen thuộc trong kiến trúc chùa, đình của Việt Nam. Toàn bộ nội thất của tòa đại đình đều được sơn son, thếp vàng, lỗng lẫy, uy linh. Đây cũng là nơi đặt ban thờ tam vị Đại Vương, tầng 2 là cung cấm có 3 ngai thờ được sơn son thếp vàng, phủ một lớp hoàng kim, linh ứng với tam vị Đại Vương gồm: Ất Sơn Thánh vương, Viễn Sơn Thánh vương và Áp Đạo quan Đại vương. Đây là các nhân vật lịch sử liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt. Đây là nơi chỉ có Ban quản lý mới được vào để bao sái và lên hương hàng ngày.
Những cuốn, ván, thanh kẻ, đầu dư, đầu bảy ở cả 3 gian đều được trạm khắc tỉ mi công phu và lấy biểu tượng rồng làm nền. Trên lớp nền đó trạm khắc những hoạt động văn hóa – xã hội lúc nương thời như: luyện võ, đấu vật, hay các tích truyện xưa như: Đinh Bộ Lĩnh tập trận, Tây du ký, cửu long chăn trâu.
Phía dưới nhang án thờ là sập thờ công đồng, hai bên có đôi hạc, lân và nhang án thờ càng tô điểm thêm cho sự uy linh tại nơi thờ tự. Phía bên tả và bên hữu của tiền đường là hai ban thờ ghi nhớ công ơn của những vị tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.
Bước ra bên ngoài không gian chính của đình, đi dọc theo đường vòng cung là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Ngoài ra, quần thể di tích còn có khu Văn chỉ thờ Khổng Tử, cũng là nơi ghi danh truyền thống hiếu học của nhân dân Hùng Lô. Phía sau của ngồi đình là nhà Yến Lão là nơi các bậc cao niên dự việc làng và hiện là nơi sinh hoạt, hội họp của những người cao tuổi.
Ngoài những giá trị về kiến trúc, đình Hùng Lô còn như một bảo tàng thu nhỏ giữ nhiều cổ vật quý giá, du khách sẽ có thể được tận mắt chứng kiến bộ kiệu bát cống tráng lệ mang nét điêu khắc cầu kỳ thời Hậu Lê, thế kỷ 17.
Quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa đình Hùng Lô ngày nay được tu bổ khang trang hơn nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo./.
Thực hiện: Hữu Quảng - Sỹ Thành