Đền, chùa Đậu – Tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên
Đền, chùa Đậu nằm ở làng Chùa, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên của đền, chùa được đặt theo tên của thế đất. Trước kia, người dân tương truyền vùng đất này mang hình rồng đậu. Vì thế, nhiều di tích ở đây được gọi là Đậu hoặc Long Đậu.
Theo các cụ cao tuổi, đền có từ rất lâu. Tuy không có tư liệu cụ thể nào ghi lại quá trình xây dựng và trùng tu đền, nhưng dựa vào kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn, các nhà nghiên cứu đoán định, đền Đậu được dựng vào thế kỷ 19 hoặc có thể lâu hơn trước đó.
Trước kia, ngôi đền rất rộng lớn nhưng do sự tàn phá của chiến tranh nên đã thu hẹp lại. Ngôi đền này chứa đựng rất nhiều cổ vật có giá trị và là nơi phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh quan trọng, cũng như thể hiện sự tự hào và kính trọng đối với nữ tướng Lăng Thị Tiêu của 4 thôn được giao quản lý, giữ gìn đền là Chùa, Chám, Vèo, Gầy và một số thôn khác.
Đền Đậu hay còn gọi là đền Long Đậu nằm trong khuôn viên xanh mát. Tại đây, có rất nhiều cây xanh có tuổi đời vài trăm năm. Những gốc cây xù xì ấy đã chứng kiến biết bao những thay đổi, thăng trầm của mảnh đất và ngôi đền này.
Dưới bóng những tán cây này, các cụ ngồi quây quần uống trà, kể chuyện về ngôi đền cũng như bàn bạc những cách để giữ gìn và phát huy giá trị nơi linh thiêng này. Ngôi đền còn lưu giữ rất nhiều cổ vật khẳng định quá trình tồn tại lâu đời. Một trong số đó có thể kể đến những tấm mộc bản có niên đại cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Tấm mộc bản cho thấy bàn tay tài hoa của người nghệ nhân xưa, từng nét chạm khắc với những nét chữ rõ ràng, thẳng đẹp. Trải qua nhiều năm tồn tại, những tấm mộc bản ấy vẫn được người dân làng giữ vẹn nguyên.
Đền Đậu thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Khám thờ của đền dựng cao cách nền gần 2m, có cầu thang lên. Theo tín ngưỡng của làng, chỉ có cụ thủ từ mới được đặt chân lên khám thờ. Khám thờ kiểu này là một trong những phong cách kiến trúc của nhiều ngôi đình Bắc Bộ thế kỷ XV, XVI. Toàn bộ ván trần mái của khám thờ và đòn tay đỡ mái được soi bào, kẻ chỉ và sơn son cẩn thận với nhiều họa tiết trang trí rồng chầu mặt trời, long mã, phượng càm thư, hoa lá... làm tăng thêm vẻ uy nghi nơi thánh ngự, đồng thời phản ánh vũ trụ quan của nhân dân thời trước và ước vọng cao đẹp trong cuộc sống của con người. Khám có hai cấp thờ, cấp ngoài để lư hương, đài, nến; cấp trong đặt ngai và tượng thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Lăng Thị Tiêu là một nữ tướng dưới thời vua Hùng, bà đã có công đánh đuổi giặc Thục xâm lăng bảo vệ đất nước. Ghi nhớ công đức của bà, vua Hùng xuống chiếu cho các trang, động, những địa điểm diễn ra sự kiện liên quna đến Lăng Thị Tiêu như quê hương, nơi chiêu binh, đồn trú, hành cung... đều được lập đền miếu phụng thờ. Đền Đậu được lập bởi đây từng là nơi chiêu binh của Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Sau khi hóa, bà thường hiển linh phù trợ giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước nên được sắc phong làm Quốc Mẫu./.
Thực hiện: Huyền Trang – Hoàng Thuyên