Đình, chùa Trần Đăng: Cổ kính và linh thiêng
Trần Đăng là một ngôi làng cổ thuộc xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Nơi đây lưu giữ nhiều công trình văn hóa của làng quê như đình, đền, miếu, chùa. Trong đó, sự xuất hiện của đình Trần Đăng và câu chuyện về vị Thành hoàng là dấu mốc quan trọng cho một thời kỳ lịch sử của đất Việt. Đình Trần Đăng thờ danh tướng Cao Lỗ - một trong những người tài kiệt xuất thời mở nước được ghi nhận trong truyền thuyết dân gian. Đình có nhiều mảng điêu khắc có hoa văn cách điệu mang nghệ thuật nửa cuối thế kỷ 17. Chiếc nhang án ở thế kỷ 18, trên thân để lại nhiều đề tài nghệ thuật như bóng dáng đồ bát bửu, vân soắn, hổ phù rất đẹp. Những dấu vết thời Hậu Lê hiện diện ở kiến trúc tòa đại bái được làm lại vào thế kỷ 19 năm 1860. Nghệ thuật trang trí chủ yếu ở bốn cột gian giữa và bốn cốn đầu đốc. Trang trí trên vì nóc và kẻ chủ yếu là vặn soắn, lá cách điệu, tứ linh trong đó nhiều con rồng nhìn chính diện còn thoảng nét nghệ thuật đầu thế kỷ 18 với mặt lớn trán gỗ. Ở đây còn có những dạng rồng khác cuốn thủy, long mã nhiều thế khác nhau. Những rồng này thường soắn cả lông đuôi và thân đuôi, đó là phong cách nghệ thuật thế kỷ 19. Cách thức chạm chủ yếu là nổi, bong kênh tạo nên những mảng cuốn có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao.
Liền kề với đình Trần Đăng là chùa Trần Đăng, có tên chữ là Diên Phúc tự. Ngôi cổ tự được xác định có niên đại khởi dựng ít nhất là có từ thời Trần. Dáng vẻ ngôi chùa là kết quả của lần trùng tu thời Nguyễn được giữ nguyên sau những đợt trùng tu tôn tạo từ năm 1951. Chùa Trần Đăng có một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông với 33 pho tượng tròn, điêu khắc tinh xảo. Tại thượng điện, trên cùng là bộ tượng Tam thế Phật, hàng thứ hai bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh bao gồm tượng Thích Ca đứng giữa, hai bên là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát tay kết ấn liên hoa. Tiếp theo là Văn Thù, Phổ Hiền, Tuyết Sơn, Quan Âm Chuẩn Đề, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích.
Đình và chùa làng là công trình tiêu biểu của cả làng, không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật, mà còn là biểu tượng cho khát vọng của người dân. Đình, chùa Trần Đăng chính là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân nơi đây. Mái đình làng cổ kính rêu phong thờ danh tướng trong truyền thuyết dân gian có công chống giặc ngoại xâm. Ngôi chùa làng linh thiêng là nơi người dân tỏ lòng thành kính trước Phật, cầu mong Phật che chở, ban phúc lành. Tất cả đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của quê hương Trần Đăng cũng như lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa làng quê Việt được gìn giữ cho muôn đời sau./.
Thực hiện: Việt Hoa - Trọng Đại