Qua nhiều lần trùng tu, sữa chữa, nơi đây ngày càng trở nên khang trang, lộng lẫy hơn và góp phần làm đẹp thêm cho diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.
Hội An - vùng đất có nhiều điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, được kết tinh qua nhiều thời đại. Nơi đã từng phát triển trở thành một đô thị – thương cảng phồn thịnh, là nơi gặp gỡ của những thuyền buôn quốc tế. Trong số đó, người Hoa đến Hội An đông nhất và họ từng bước thiết lập cơ ngơi để sinh sống cũng như buôn bán lâu dài.
Hội quán Phúc Kiến Hội An được xây dựng từ năm 1697, với mục đích thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng các vị thần bảo hộ cầu mong mưa thuận gió hòa, là nơi hội họp đồng hương của người Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất vào thời bấy giờ.
Trong 5 hội quán ở Hội An thì Hội Quán Phúc Kiến chính là nơi có không gian rộng và đẹp nhất. Vào thế kỷ 17, công trình này được đánh giá là tiêu biểu nhất ở cảng thị, bởi hội quán sở hữu kiến trúc mang nét đình chùa truyền thống với cổng Tam Quan, mái ngói lợp âm dương.
Trước đây, hội quán được xây dựng bằng gỗ, nhưng về sau được tu sửa lại bằng gạch, mái ngói. Không chỉ vậy, các hạng mục kiến trúc cũng đươc chạm trổ tinh xảo, ấn tượng. Bên trong chùa còn thờ nhiều bức tượng, trống đồng, chuông đồng, lư hương, 14 bức hoành phi cùng với rất nhiều các kỷ vật có giá trị.
Chùa Phúc Kiến hay với cách gọi Hội quán Phúc Kiến được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc truyền thống Trung Hoa với quan niệm vũ trụ âm dương hài hòa, thẩm mỹ, hướng đến triết lý Á Đông sâu sắc, thể hiện cho hạnh phúc của con người.
Lối kiến trúc cổ của hội quán đã góp phần tạo nên diện mạo cho khu phố cổ Hội An. Và các lễ hội, phong tục tập quán ở Hội quán Phúc Kiến đã góp phần làm đa dạng phong phú loại hình văn hoá ở di sản văn hoá Hội An.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.