Video Về chốn linh thiêng

Chùa Thanh Nhàn trong lòng Hà Nội

Trong một con ngõ nhỏ trên đường Trần Khát Chân đông đúc của Hà Nội, có một ngôi chùa cổ kính, thanh tịnh nằm ngay trong lòng phố xá. Đó là chùa Thanh Nhàn.
09:13 - 01/08/2021

Chùa Thanh Nhàn có tên chữ là Linh Sơn Tự, cư dân vùng Ô Đống Mác xưa vẫn hay gọi chùa là chùa Linh Sơn Thanh Nhàn để phân biệt với chùa Thanh Nhàn ở Ô Chợ Dừa.

Theo lời những người dân sống quanh chùa từ xưa truyền lại, chùa vốn có diện tích rộng, được xây dựng bề thế, toạ lạc trên một gò đất mà xưa kia dân làng quen gọi là núi vì xung quanh toàn đầm lầy và ruộng lúa. 

Trải qua sự đổi thay của thời gian, Linh Sơn Thanh Nhàn cổ tự ngày nay đã có chút đổi khác, diện tích bị thu hẹp lại nhiều. Trong chùa  giờ vẫn giữ được một khoảng sân khá rộng rãi lát gạch phủ bóng cây xanh là nơi tổ chức các sự kiện của nhà chùa. Trước sân có ao mắt rồng tươi mát, dưới ao cho trồng sen và thả cá, người dân quanh vùng vẫn quen gọi là ao sen chùa Linh Sơn. 

Quanh ao mắt rồng là nhiều hạng mục nhỏ khác gồm một nhà tưởng niệm liệt sĩ, một miếu nhỏ, một hòn giả sơn bên trong đặt tượng Bồ Tát kích thước khá lớn để Phật tử bốn phương vào hành lễ, rửa sạch những bụi trần, tìm lại cho tâm hồn sự thư thái trước khi vãn cảnh chùa.

Bên một góc sân chùa là hệ thống vườn tháp - nơi đặt xá lợi của các đời trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn qua từng thế hệ, có những ngôi cổ tháp tuổi đời đã lên đến hàng trăm năm, cổ kính và uy nghiêm.

Trong khuôn viên của chùa Thanh Nhàn còn lưu giữ được hệ thống bia đá cổ, bia sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Thịnh năm Tân Sửu. Bia có niên đại muộn nhất được dựng vào 20 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Những tư liệu bia đá cổ này không chỉ giúp cho việc xác định về sự tồn tại của ngôi chùa, nhận diện rõ hơn về địa hình phía Đông Nam của kinh đô Thăng Long xưa, mà còn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về cuộc sống xã hội, sự phân hóa giai tầng, chế độ ruộng đất, sinh hoạt tôn giáo… của các triều đại quân chủ qua các thời.

Chùa Thanh Nhàn xưa kia là nơi để người dân làng Thanh Nhàn nói riêng, người dân ở ô Đống Mác nói chung tới lui phụng sự cửa Phật, một địa chỉ để thực hiện nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của Thủ đô, chùa còn là nơi nuôi giấu cách mạng, nơi các chiến sĩ thường tới lui để họp ngay dưới gầm Tam bảo của chùa. Những câu chuyện về sự hi sinh của các chiến sĩ ngay trong khuôn viên chùa đến nay vẫn được kể lại.

Và khi đất nước đã im tiếng súng đạn, ngày hôm nay, chùa Thanh Nhàn lại trở thành một địa chỉ làm từ thiện nổi tiếng của Hà Nội, nơi mà đã hơn 15 năm qua, đều đặn mỗi ngày, hàng trăm xuất cơm nóng lại được chuẩn bị để gửi đến tận tay các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các cơ sở y tế. Nơi mà cứ chủ nhật tuần thứ 3 của tháng các phòng bệnh lại được mở cửa miễn phí thăm, khám, chữa bệnh cho các gia đình chính sách, những hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Thời nào cũng thế, chùa Thanh Nhàn luôn là một điểm tựa cho con người ở nơi đây.

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.