Nằm trên một quả đồi cao khoảng 50m ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, chùa Trăm Gian ẩn mình giữa những cây cổ thụ và hàng thông già càng làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm cho chốn thiền tự.
Ngôi chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm tự, hay còn được gọi là chùa Tiên Lữ theo tên làng. Nếu tính 4 cột là một gian thì chùa Quảng Nghiêm có tới 100 gian nên mới có tên gọi quen thuộc là chùa Trăm Gian.
Chùa được xây dựng từ đời vua Lý Cao Tông năm 1185. Đến thế kỷ 14, thời nhà Trần, ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của nhà sư trụ trì là đắc đạo chân nhân Nguyễn Bình An. Ông sinh năm 1281, ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lúc 9 tuổi, ông thường lui tới chùa làng và thích sự tĩnh tâm của chốn thiền tự. Lớn lên, ông vân du tứ phương, khi dừng chân tại thôn Tiên Lữ gặp được vị lão trưởng là thiền sư đắc đạo Phạm Cốc tại Tràng An tự đã ở lại tu hành. Sau nhiều năm học đạo, ông đã thấu hiểu mọi phép linh thông và có nhiều phép lạ.
Chùa Trăm Gian có từ thời Lý, nhưng đến thế kỷ 14 được đắc đạo chân nhân Nguyễn Bình An cho xây dựng lại mang dấu ấn kiến trúc thời Trần. Đến thế kỷ 15, đời nhà Hồ, chùa Trăm Gian bị giặc Minh đốt phá. Chùa cháy hết mà khám vẫn còn. Ngài hiển thánh trừng phạt bằng trận cuồng phong nắng lửa mưa máu. Giặc khiếp sợ phải làm trả chùa Trăm Gian. Đến cuối thế kỷ 18, năm 1794, Đô đốc Đặng Tiến Đông – một vị tướng thời Tây Sơn - cho tu sửa lại chùa.
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Trăm Gian ngày này về cơ bản mang kiến trúc đời Trần thế kỷ 14 với quy mô khá lớn.
Với những giá trị lịch sử và nhiều di vật quý giá từ cổ xưa, chùa Trăm Gian là một di sản Phật giáo độc đáo, một di tích lịch sử cấp quốc gia, và là một điểm đến tâm linh linh thiêng của mảnh đất Hà Tây xưa, Hà Nội ngày nay. Đến với chùa Trăm Gian không chỉ để chiêm bái, lễ Phật, lễ Thánh mà còn để được nghe những truyền tục linh thiêng về vị thánh anh linh từ xa xưa vọng về.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.