Video Về chốn linh thiêng

Chùa Tứ Kỳ: Không gian yên bình giữa phố thị

Trong lòng thành phố Hà Nội nhộn nhịp, chùa Tứ Kỳ là không gian rất nhiều Phật tử tìm đến để mỗi người chọn cho mình sự bình yên, thư thái hay được học những giáo lý của đạo Phật.
15:55 - 05/03/2021

Chùa Tứ Kỳ ở làng Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nằm ở phía Nam của thành phố, chùa từ lâu trở thành nơi chiêm bái của không chỉ dân làng, mà còn du khách thập phương khắp mọi miền.  

Bên ngoài là sự ồn ào của phố xá nhưng bên trong, khi bước qua cánh cổng chùa như mở ra không gian tách biệt, yên bình và rất thư thái.

Chùa có sân sau và sân trước. Nếu không gian sân trước là những chậu hoa đầy màu sắc thì sân sau với không gian rộng rãi, khoáng đạt, với nhiều tượng Phật bằng đá bài trí phù hợp với toàn cảnh chùa. Ở sân sau còn có xây tháp Phật 3 tầng, trước cửa tháp đặt tượng Phật Bà Quan Âm.

Theo sử sách ghi chép lại và những tài liệu còn lại tại chùa, chùa Tứ Kỳ có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê, trải qua hàng trăm năm tồn tại, mặc dù đã nhiều lần trùng tu, xây sửa với sự thay đổi vể diện mạo diện mạo kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn những tài liệu, di vật hiện phản ánh sự trường tồn của một ngôi chùa cổ. Thế nên, chùa Tứ Kỳ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng cổ Tứ Kỳ. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật trên vùng đất phía Nam Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVIII – XIX.   

Cũng như những ngôi chùa khác ở trong vùng, chùa thờ Phật, có nhà Tổ và nhà thờ Mẫu. Ở chính điện thờ Tam Bảo thờ Phật được xây to, rộng. Các tượng Phật lớn, nhỏ được đúc hầu hết bằng đồng, tạo cho không gian bên trong chùa tráng lệ và uy nghiêm. Hệ thống tượng thờ tuân thủ theo thiền phái Bắc tông, thể hiện được thuyết vô thường thông qua hình tượng Pháp thân Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. 

Hai bên chính điện một bên là nhà Mẫu, thờ Tam phủ theo tín ngưỡng dân gian, thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”.

Nhà Tổ thờ ba vị chính giữa là Tổ Bồ Đề Đạt Ma, một bên thờ Tổ tăng – đại diện cho chư vị tổ sư là Tăng. Bên còn lại là ban thờ Tổ ni - đại diện cho chư vị tổ sư là Ni.

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.