Video Về chốn linh thiêng

Chuyện kể dưới mái đình Phong Cốc

Một công trình kiến trúc nghệ thuật còn bảo tồn gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc dân gian của thế kỷ 17, 18, nơi bóng hình người xưa, chuyện xưa vẫn được lưu truyền cho muôn đời hậu thế… Đó chính là đình Phong Cốc ở tỉnh Quảng Ninh.
16:51 - 12/04/2021

Nhẹ trôi theo mái chèo trên dòng sông êm đềm từ khu vực cầu Miếu đến bến sông Cửa Đình, đình Phong Cốc dần hiện lên trong tầm mắt - một ngôi đình cổ kính và gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh từ bao đời nay. 

Người ta vẫn ví, đến đình Phong Cốc là biết được bao điều về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, từ cái thuở hồng hoang 17 cụ Tiên Công từ làng Kim Liên của kinh thành Thăng Long về đây đắp đê, lấn biển, mở bờ cõi. 

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, nhất là đặc điểm điêu khắc, trang trí mỹ thuật của đình, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, đình Cốc được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Đây là nơi thờ Thành Hoàng của làng là tứ vị Thánh nương và thần nông - vị thần bảo hộ mùa màng, vật nuôi ở địa phương.

Đến đây, chắc chắn không ít du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước tầm vóc của ngôi đình này, nhất là khi biết công cuộc dựng một ngôi đình lớn vào thời ấy là sự kỳ công của các bậc tiền bối. 

Đình Phong Cốc được dựng theo hình chữ nhị, rộng hơn 5.200m2, có 7 gian 2 chái, gồm tiền đường, bái đường và hậu cung. Tiền đường còn gọi là đình ngoài được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII được nhân dân xã Phong Lưu xưa mua về dựng ở nơi này vào năm Gia Long thứ 4 (năm 1805). Phía trong tiền đường, các gian được chia bởi 10 hàng cột dọc, 6 hàng cột ngang và 1 hàng cột hiên. Các cột được làm bằng gỗ lim, đường kính trung bình 75cm, trung bình mỗi cây cột nặng 5 tấn.

Bái đường gồm có 5 gian 2 chái, kết cấu vì kèo kiểu chồng giường kẻ suốt. Bên trong gồm 8 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc.   

Nối thông với gian giữa của bái đường là hậu cung, gồm 1 gian ngang, 2 gian dọc, cấu trúc hệ thống vì kèo đơn giản hơn tiền đường và bái đường.

Ngoài ra, đình Phong Cốc còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như bia đá, hoành phi câu đối và nhiều đồ thờ tự được sơn son, thếp vàng nhuốm màu thời gian.

Đình Phong Cốc hay còn gọi bằng cái tên dân dã của người vùng đảo Hà Nam là đình Cốc, xưa nay luôn là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa, chính trị quan trọng của người dân nơi đây. Đó cũng là nơi gắn kết tình cảm của cư dân vùng đảo, nơi họ gặp gỡ, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Đình Phong Cốc được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1988. Để bảo tồn, tôn tạo di tích, chống lại sự tàn phá của thời gian và mưa nắng, đình đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất gần đây là vào năm 2013 do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội Lịch sử Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.