Video Về chốn linh thiêng

Cổ kính chùa Bối Khê

Giữa một vùng quê thanh bình, có một ngôi chùa cổ kính, lưu giữ vẻ đẹp kiến trúc tôn giáo mang dấu ấn qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Đó là chùa Bối Khê - một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, một di sản tôn giáo độc đáo và linh thiêng.
15:33 - 11/10/2021

Chùa Bối Khê, có tên chữ là Đại Bi tự, tọa lạc tại thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Chùa nằm trên một khu đất rộng với diện tích khoảng 5.000m2. Được xây dựng vào năm 1338, dưới thời Trần, chùa Bối Khê có lịch sử hơn 680 năm. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa hội tụ dấu ấn kiến trúc và mỹ thuật tiêu biểu của nhiều triều đại, từ thời Trần cho đến thời Nguyễn.

Chùa cách biệt với bên ngoài qua ngũ môn. Cổng được xây dựng bằng gạch và trang trí bằng các họa tiết đắp nổi hoặc vẽ lên tường, mang phong cách thời Nguyễn vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Được xây dựng vào năm 1899, dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn của ngũ môn đã làm phong phú thêm cho ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở mảnh đất Hà Tây xưa. 

Lối vào chùa chính sau ngũ môn còn có tam quan và cũng là gác chuông. Công trình được dựng theo lối hai tầng, tám mái, một gian - hai chái. Tuy được dựng từ năm 1603, thời Lê Trung Hưng, nhưng tam quan hiện nay về cơ bản mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Dấu vết kiến trúc thời Trần và thời Lê Trung Hưng chỉ còn được lưu lại ở chân tảng hoa sen và đầu rồng trên đầu dư tầng hai.

Chùa Bối Khê được xem là một điển hình của dạng chùa có nhiều lớp kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc và mở rộng theo tuyến ngang. Đây là một nét mới trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, bắt đầu xuất hiện từ thời Trần. Công trình cũng là một trong số ít chùa còn giữ được kiến trúc gỗ nguyên bản của thời Trần.

Nền chùa còn giữ được những viên gạch nung thời Mạc với hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi. Đó là những hình rồng, phượng, sư tử được bố cục trong các khung hình chữ nhật và tròn. Các mảng chạm khắc gỗ lại mang phong cách thời Nguyễn. Mỗi bức chạm khắc là một di sản nghệ thuật cho thấy sự tài hoa của người thợ xưa với những nét chạm khắc nổi vô cùng tinh xảo. Một điểm thú vị thay vì những mảng chạm khắc gỗ về mô típ tứ linh, tứ quý, một số mảng chạm ở đây lại khai thác đề tài thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh.

Khu chùa Phật gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện và hai hành lang với hệ thống tượng thờ khá phong phú. Nổi bật nhất là tượng Quan Âm Nam Hải thời Mạc (hay còn gọi là tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay) có giá trị nghệ thuật cao với cách bố trí nhịp điệu tay rất cân xứng. Tượng cao 2,53m được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bệ đá khối hộp đồ sộ niên đại từ thời Trần. Hai bên hành lang còn có hệ thống tượng La Hán.

Với lối kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh”, chùa Bối Khê còn có cung Thánh ở phía sau chùa Phật. Phần Thánh điện gồm đại bái, ống muống và hậu cung được kết nối theo hình chữ công. Điện Thánh kết nối với chùa Phật qua hai hành lang ở hai gian chái của tòa đại bái. Hậu cung điện Thánh là một tòa nhà có mặt bằng gần vuông và cũng là một ví dụ hiếm hoi về kiến trúc đấu củng tại Việt Nam, tức là hình thức kết cấu đỡ mái theo hình dạng chống rường trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống của Trung Hoa nói riêng và của Á Đông nói chung.

Đến với chùa Bối Khê, để cảm nhận một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng và một vẻ đẹp giàu giá trị kiến trúc, nghệ thuật của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.