Với người dân miền Bắc, "lọp bắt cá" là một khái niệm khá lạ lẫm, nhưng với những con người ở miền Tây sông nước nói chung, người dân phường Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ nói riêng, đây là một ngư cụ không thể thiếu của mỗi gia đình.
Lọp được đan từ những nan trẻ vót mảnh - những bụi trẻ chẳng bao giờ thiếu ở xứ này. Sau khi có những nan tre đều tăm tắp thì nối chúng lại với nhau thành tấm rồi buộc lại. Nói ra thì nghe đơn giản, nhưng cấu tạo của lọp bắt cá lại vô cùng tinh tế.
Ở làng quê miền Tây sông nước này ai cũng có công việc của riêng mình. Ai cũng biết đan lọp.
Từ trước năm 1975, nghề đan lọp đã xuất hiện ở Thới Long. Lúc bấy giờ người ta đan lọp để gia đình dùng là chủ yếu. Sau này, khi độ "dính cá" của chiếc lọp đồn đi xa, người từ khắp dọc đồng bằng sông Cửu Long đổ về Thới Long mua lọp, ít thì vài chục cái, nhiều lên đến cả nghìn cái. Thuyền bè ra vào Thới Long tấp nập. Có lúc lọp làm ra không đủ bán, các chủ ghe xuồng ngủ lại qua đêm cốt để sáng hôm sau có lọp mang về dùng.
Ở Thới Long có thể không còn nhiều người trẻ đan lọp, thế nhưng cái nghề ấy sẽ mãi chẳng thể nào biến mất. Bởi đó là cuộc sống của những người miền Tây chân chất và chăm chỉ. Kênh rạch còn nước, lọp bắt cá Thới Long chắc chắn vẫn sẽ còn được những người dân Thới Long tỉ mẩn ngồi vót từng nan tre, vô từng hom dài, hom ngắn… Câu chuyện về một Thới Long tấp nập ghe xuồng mua hom vào mùa nước nổi vẫn sẽ được người ta kể mãi như bao nhiêu năm qua vẫn luôn là như vậy./.
Kinh nghiệm bỏ túi: Phường Thới Long nằm cách trung tâm quận Ô Môn 14 km. Từ trung tâm quận sẽ có biển chỉ dẫn đưa bạn thẳng về Thới Long Bạn nên ghé thăm Thới Long vào một ngày nắng để được chứng kiến người dân Thới Long mang nan tre ra phơi Bên cạnh các làng nghề truyền thống, quận Ô Môn còn nổ tiếng với những ngôi chùa Khmer cổ kính và đồ sộ. Đây cũng là những điểm đến không thể bỏ qua nếu bạn có dịp ghé thăm Ô Môn. |
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.