Nhắc đến Sơn Đông, người ta nhớ ngay đến quê hương của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Ông là một trong những khai quốc công thần hàng đầu của triều Lê, có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ 15.
Ngày hôm nay, tìm về đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, những thế hệ con cháu vẫn mãi khắc ghi cuộc đời của một vị tướng gắn liền với trang sử bi hùng của dân tộc.
Đến Sơn Đông, đi đâu cũng giáp mặt với những dấu ấn lịch sử. Ngay cây lộc vừng trước cửa đền thờ Trần Nguyên Hãn cũng đã gần 600 năm tuổi. Từ thân cây tỏa ra 9 cành lớn, dáng mềm mại lên xuống như rồng cuộn. Với người dân Sơn Đông, cây lộc vừng luôn tượng trưng cho sự trường tồn, phúc lộc, an lành và hạnh phúc; gắn liền với truyền thống văn hiến của đất và người Sơn Đông qua bao thế hệ.
Sơn Đông còn tự hào là vùng đất khoa bảng với 13 vị tiến sỹ các triều được ghi danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ thời phong kiến, làng đã có trường học đầu tiên do nhà giáo Đỗ Khắc Chung, một đại thần nhà Trần lập nên. Ông cũng chính là người đầu tiên dạy cho dân làng biết chữ nghĩa, truyền đi một tinh thần ham học hỏi, nhờ đó việc học hành trong vùng ngày càng được quan tâm, nhiều người đỗ đạt lớn.
Đi qua thời gian, những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh chính là những “bảo tàng sống” của mỗi địa phương. Làm thế nào để quá khứ hòa vào dòng chảy của thời đại một cách bền vững, đó chính là đóng góp thiết thực nhất vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.