Video Về chốn linh thiêng

Dấu ấn Đình thần Phú Long

Tọa lạc bên sông Sài Gòn thơ mộng, yên bình với nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, Đình Phú Long không chỉ có giá trị về mặt niên đại mà còn giữ được những nét hoàn chỉnh nhất của một ngôi đình cổ. Đây đang là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan.
14:56 - 30/10/2023

Dấu ấn Đình thần Phú Long

Đình thần Phú Long còn gọi là “Phú Long linh miếu”, do nhân dân địa phương lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, được ban sắc phong đời vua Tự Đức (năm Tự Đức thứ 5, 1853). Lúc đầu đình được xây dựng bằng tre, gỗ, trên nền đất thô sơ. Sau đó, đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997... Trong đó, lần trùng tu năm 1865 có quy mô lớn, với việc xây tường bằng vôi gạch, mái lợp ngói gần giống hiện trạng ngày nay. Hiện nay, đình có tổng diện tích sử dụng là 5.828m2, diện tích xây dựng là 1.258m2. Ðình rộng 40m bề ngang vào sâu trên 50m.

Cũng như những ngôi đình có kiến trúc thường thấy ở Nam bộ, đình Phú Long được xây dựng kiểu chứ Tam, theo lối “Trùng thiềm điệp ốc”, lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa. Ngoài vị thần chủ là thần Thành Hoàng, đình Phú Long còn phối thờ Ngũ Hành nương nương, Thần Nông, ông Hổ. Các vị tiền nhân có công khai khẩn, có công đóng góp xây dựng đình làng trở thành Tiền hiền, Hậu hiền cũng được đặt ban thờ trong gian chánh điện. 

Theo một số tư liệu, đình Phú Long được trang trí theo lối cổ lầu, tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng màu sắc rực rỡ và có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững dài lâu, xưng tụng công đức của tiền nhân, thần thánh bảo vệ cuộc sống của dân làng được bình an.

Không phải ngẫu nhiên mà Phú Long là ngôi đình đầu tiên của tỉnh Bình Dương được công nhận Di tích cấp quốc gia, đồng thời được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục địa phương công nhận “Ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất tỉnh Bình Dương”. Chính “Nghệ thuật ghép tranh bằng gốm sứ” được trùng tu, bảo tồn hầu như nguyên vẹn tại đây đã đem đến nét độc đáo hiếm thấy cho ngôi đình. 

Ngoài giá trị nghệ thuật kiến trúc, văn hóa tâm linh, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Phú Long còn là nơi ẩn náu, cất giấu vũ khí của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại địa phương.

Theo lời kể của những người cao niên ở đây, trên trần nhà, chánh điện hai bên đầu hồi là hai lỗ tròn có nắp đậy che mưa nắng tạo thành một nóc kín. Chính nóc kín này được vận dụng làm nơi ẩn náu cho các hoạt động của nhiều lớp cán bộ chiến sĩ cách mạng tại địa phương trong suốt thời kỳ tiền cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp Mỹ sau này. 

Đây là dịp để thế hệ hôm nay tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ tiền nhân đi  trước đã có công khai sinh, tạo lập xóm làng và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình an đến với mọi người.

Vùng đất Lái Thiêu ngày ngay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng giữa quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn ra nơi đây thì Đình Phú Long vẫn luôn là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người người dân, khách du lịch thập phương và giới nghiên cứu trên cả nước./.

Thực hiện: Minh Quyên - Ngọc Toàn