Video Về chốn linh thiêng

Dấu thiêng trên quê hương Vũ Bình

Nơi con sông Hồng nối liền với biển Đông, nơi hội tụ linh khí đất trời, đã sinh ra những người anh hùng cứu nước, cứu dân.
Về với quê hương Vũ Bình để tìm về những dấu tích linh thiêng gắn với những câu chuyện huyền thoại được lưu truyền muôn thủa.
18:16 - 20/06/2022

Mỗi vùng đất, nơi hội tụ khí thiêng đất trời là nơi tạo nên những câu chuyện mang nhiều nét huyền tích gắn với cuộc sống của cư dân bản địa. Xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nằm bên dòng sông Hồng, hay còn gọi là sông Nhị Hà, nối liền với biển Đông. Dòng sông quanh năm đỏ nặng phù sa ấy đã bồi đắp cho mảnh đất này một dòng chảy văn hóa đậm dấu ấn của cư dân vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ, là chứng tích cho dòng chảy lịch sử hào hùng của mảnh đất giàu khí chất cách mạng. Mảnh đất này đã sản sinh ra những vị anh hùng vì nghĩa lớn mà cứu nước, cứu dân.

Bên con sông hiền hòa, thanh bình ngày nay, một ngôi đền linh thiêng gần nghìn năm tuổi vẫn còn đó, được nhân dân khắp nơi quanh năm về đây chiêm bái, nhang khói để tỏ lòng ngưỡng vọng với các bậc tiền nhân anh linh bảo vệ đất nước và cuộc sống của nhân dân được bình yên. 

Đền Quan Mộ Đạo, nằm trên đất làng Mộ Đạo là nơi thờ Đức Thánh Tướng quân Nguyễn Hải, người có công đánh giặc ngoại xâm, giúp vua Lý Nhân Tông bình Chiêm vào nửa cuối thế kỷ 11, được vua sắc phong là Thủy Tề Long Vương. Theo lưu truyền, Đức Thánh Tướng quân Nguyễn Hải đến từ Thủy cung, năm 1052, đã đầu thai làm con vợ chồng ông Nguyễn Công Thành ở trang Mộ Đạo, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, nay là thôn Mộ Đạo, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Lúc còn nhỏ, Ngài được gọi là chàng Hai, có khí chất thông minh xuất chúng, sức khỏe lạ thường, võ nghệ cao cường, có biệt tài bơi lặn phi thường.

Nghe tiếng đồn về sự tài giỏi của chàng Hai, vua Lý Nhân Tông đã cho mời về kinh thành. Nhưng vì cha mẹ chàng Hai cầu xin nên được vua xuống chiếu cho chàng Hai về nhà vừa giúp đỡ cha mẹ, vừa tập luyện võ nghệ. Từ năm 1075 đến 1077, sau khi phá Tống phương Bắc, triều đình quyết tâm bình Chiêm ở phương Nam, nhà vua đã cho mời các tướng tài về giúp nước. Chàng Hai được giao chỉ huy một đoàn thuyền chiến hơn 100 chiếc với hơn 5.000 quân và được phong là Thủy Tào Đại Tướng quân, cùng với Đô đốc Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành và một số tướng sĩ khác tiến quân từ Thăng Long qua cửa sông Nhị Hà về bái yết đền vua Nam Hải, chàng Hai được phong là Tiền Tướng quân Nguyễn Hải. Sau khi vượt biển Đông tiến về phía Nam, thủy quân của Tướng quân Nguyễn Hải đã đánh thắng thủy quân của Chiêm thành, tiến thẳng dinh lũy cuối cùng và bắt sống vua Chiêm đem về triều đình trị tội. Sau khi bình Chiêm, Tướng quân Nguyễn Hải nghe tin cha mẹ mất nên đã xin vua về quê chăm sóc phần mộ của phụ mẫu và đóng quân tại cửa sông Nhị Hà trên đất làng An Đạo để canh giữ phía nam biển Đông.

Việt Hoa - Trọng Đại

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.