Video Về chốn linh thiêng

Đền Đồng Cổ: Âm vang lời thề trung hiếu

Mấy trăm năm qua, cứ hễ vào những ngày tháng 4 (âm lịch) nắng vàng, khắp phường Kẻ Bưởi lại rộn ràng trống hội của hội thề trung hiếu, và đền Đồng Cổ lại trở thành chốn hội tụ của lòng yêu nước, của hào khí lẫm liệt ngàn đời
19:10 - 08/06/2023

Đền Đồng Cổ: Âm vang lời thề trung hiếu

   Ở Hà Nội này, nếu hỏi nơi nào còn giữ được vẻ yên bình của làng quê nhất thì chắc là những sân đình, sân đền hàng trăm năm tuổi còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

   Nằm trên mặt đường Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ) - Một con đường ven hồ Tây đông đúc và nhộn nhịp, thế nhưng không gian của đền Đồng Cổ lại khoáng đạt, thanh tịnh và yên tĩnh. 

   Đền Đồng Cổ được vua Lý Thái Tông xây dựng vào đúng năm lên ngôi 1028, đến nay đã hơn 1000 năm lịch sử.

   Theo sử sách ghi chép lại, đền Đồng Cổ được xây dựng trên một thế đất cao, trông ra sông Tô Lịch. Trải qua biến thiên của thời gian và những đổi thay của lịch sử, ngôi đền của hơn 1000 năm trước đã bị phá hủy hoàn toàn. Đền Đồng Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 2009 – 2010 nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội ngôi đền được trùng tu hoàn chỉnh như ngày hôm nay với đầy đủ các hạng mục: tam quan, đền chính, hậu cung...và mang nhiều dấu ấn của kiến trúc thời Lý.

   Đền Đồng Cổ có quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa của ngôi đền hơn 1000 năm tuổi này lại không nằm ở sự đồ sộ mà nằm ở giá trị lịch sử của ngôi đền. Di tích Đền Đồng Cổ nằm ở ngay sát phía bắc kinh thành Thăng Long. Đây không chỉ là nơi thắng cảnh mà còn là di tích mang đậm dấu ấn văn hóa thời Lý. Đồng thời đây cũng là địa danh được Lê Vĩnh Hựu (Thế kỉ 18) nhắc tới trong “Tây Hồ bát cảnh” – 8 cảnh đẹp của Tây Hồ còn được lưu giữ cho tới tận ngày hôm nay.

   Nhắc tới thần Đồng Cổ hay thần núi Đồng Cổ - Vị thần được thờ phụng trong đền, nhiều câu chuyện đã thành huyền tích vẫn được người dân phường Kẻ Bưởi kể lại. Ngôi đền Đồng Cổ chính gốc nằm bên chân núi Khả Lao, làng Đan Nê, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sử sách chép rằng: Năm 1020, vâng lênh vua Lý Thái Tổ, Thái tủ Lý Phật Mã  đem quân đi đánh Chiêm Thành. Một đêm, ngủ tại Đền Đồng Cổ Thái tử được báo mộng có một vị thần xin đi theo để trừ giặc. Trận đó quả thắng to. Tám năm sau, năm 1028 trước hôm Lý Thái Tổ qua đời, (mùng 3 tháng 3 âm lịch), Thái Tử Lý Phật Mã được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có loạn tam vương. Quả nhiên sáng hôm sau khi Lý Thái Tổ vừa qua đời, ba hoàng tử là Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đem quân tạo phản. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp, nên Thái tử Lý Phật Mã đã dẹp được cuộc nổi loạn và chính thức lên ngôi vua. Xưng vương Lý Thái Tông. Ngay sau khi lên ngôi, vua đã cho xây dựng đền Đồng Cổ để ghi nhớ công ơn của vị thần đã phò vua, giúp nước. Đồng thời cũng tại đây vua phát động hồi thề trung hiếu như một lời nhắc nhở về đạo làm tôi, làm con ở đời.

   Trải qua hơn 1000 năm, những giá trị về sự tận tâm với dân, với nước, với gia đình đã trở thành niềm tự hào, thành truyền thống mà những người dân của Kẻ Bưởi xưa, của phường Bưởi nay tự hào lưu giữ và phát huy.

 “Làm con bất hiếu

  Làm tôi bất trung

  Thần minh chu diệt”

   Những lời thề của hội thề trung hiếu trải qua 995 năm vẫn vang vọng. Theo các sử sách, bia ký để lại, thì Hội thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông khởi sướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Trong ngày lễ hội, bách quan văn võ đến trước đàn, quì trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Về sau, vì ngày hội thề trùng với ngày kỵ của một vua đời Lý nên hội thề được chuyển sang ngày 4 tháng 4 âm lịch. Các đời vua Lý đều cho tiến hành các hội thề hàng năm. 

   Đến thời Trần vẫn tiếp tục duy trì hội thề, tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ vua Trần Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, các quan tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Chu Văn An đã phải dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, thời bấy giờ gọi là “thất trảm sớ”, nên nội dung lời thề tại Hội thề Đồng Cổ dưới nhà Trần sửa lại là: 

“Làm tôi tận trung

 Làm quan trong sạch

 Ai trái thế này

 Thần minh giết chết”

   Dù đã trải qua gần 1000 năm, thế nhưng ý nghĩa của những lời thề về sự tận tâm với dân với nước thì vẫn trọn vẹn. Chính vì điều ấy mà hội thề vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay. Cứ tới ngày 4/4 âm lịch, khắp phường Bưởi lại rộn ràng các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí chào mừng mùa lễ hội. Vào giờ khắc thiêng liêng nhất, đứng trước bàn hương tế, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng lại hô vang lời thề trung hiếu. Trong khoảnh khắc ấy, ta thấy được tình yêu dành cho đất nước, cho gia đình, ta thấy được niềm tự hào dân tộc cùng truyền thống nghìn năm dội về.

   Năm 2023, hội thề trung hiếu xuất sắc ghi danh vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, trở thành một biểu tượng cho những giá trị tốt đẹp nghìn đời.

   Và dù rất mực xa cách, rất mực đổi thay, thì những điều tốt đẹp vẫn sẽ còn giá trị mãi mãi. “Bát cảnh Thăng Long” đã chẳng còn lại bao nhiêu, thế nhưng ngôi đền nhỏ trên đất Kẻ Bưởi vẫn được trông nom, tu bổ, và những lời thề trung hiếu vẫn được vang vọng mãi cùng với non sông./.         

Thực hiện: Nguyên Hạnh - Trọng Đại

Mời QVVCB đón xem những nội dung khác trong chương trình "Về chốn linh thiêng" tại đây.