Hơn 900 năm trước, tại chính mảnh đất này, nơi vườn dâu của Thổ Lỗi xứ kinh Bắc xưa, nay là thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cất tiếng khóc chào đời. Thời gian trôi qua với biết bao vật đổi sao dời cùng những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nhưng những câu chuyện về vị Hoàng Thái hậu, hai lần nhiếp chính, hết lòng vì dân vì nước vẫn được nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc.
Ngôi nhà nơi quê cha đất mẹ khi xưa bà gắn bó cả tuổi thơ và lúc về già, đã được người dân lập đền thờ, chính là đền Ghênh ngày nay, để quanh năm hương khói, tưởng nhớ tấm gương tiêu biểu đảm việc nhà, giỏi việc nước của một phụ nữ, danh nhân lịch sử. Vì vậy, đền đã trở thành nơi đưa du khách gần xa ngược về quá khứ tìm hiểu truyền thống tự hào của cha ông.
Đền Ghênh không thu hút du khách gần xa bởi vẻ đẹp hoành tráng, mà để lại ấn tượng với lối kiến trúc cổ kính, mộc mạc trong khung cảnh bình dị, dân dã của vùng quê thanh bình. Chính vì vậy, dễ dàng tạo cảm giác bình yên, lắng lòng trong những câu chuyện của quá khứ tự hào.
Đền Ghênh được xây dựng trên chính ngôi nhà nơi Hoàng Thái hậu Nguyên Phi Ỷ Lan sinh ra. Khi tuổi cao, bà đã về ở hẳn quê hương và cho xây Thủy Lâu đài tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất (1117), Thủy Lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà với tên gọi đền Ghênh.
Với những hiện vật và dấu ấn lịch sử được lưu giữ, đền Ghênh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và trở thành nơi hành hương chiêm bái, tưởng nhớ công lao của Nguyên phi Ỷ Lan. Đến đây, không chỉ tận hưởng khung cảnh bình yên của một chốn linh thiêng mà còn thấy tự hào về mảnh đất sinh ra người phụ nữ tài sắc vẹn toàn có công với đất nước, với nhân dân.
Huyền Trang – Hoàng Thuyên – Đình Mạnh
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.