Đền Hóa Dạ Trạch nằm ngay trong vùng đầm Nhất Dạ Trạch, thuộc địa phận xã Dạ Trạch ngày nay. Và còn gọi là đền Hóa vì tương truyền đây chính là nền lâu đài cũ của Chử Đồng Tử - Tiên Dung để lại sau khi tất cả đã bay về trời.
Trong vùng hiện nay có tới 72 di tích thờ Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung nhưng nơi nào muốn thờ, trước hết phải qua nơi này, đền thờ chính để rước thần hiệu, sau đó mới được thờ.
Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân, tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.
Thời ấy, Vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương. có cô con gái tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.
Trong sách Lĩnh Nam Trích Quái viết: Khi nhà vua Hùng Duệ Vương nghi vợ chồng công chúa Tiên Dung tạo phản, bèn cho quân đến bắt thì nửa đêm trời bỗng nhiên sáng rực, lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử - Tiên Dung bay cả lên trời, để lại đầm nước mênh mông. Quan quân sợ quá về tâu, vua đến tận nơi xem và truyền lập đền thờ, nhân dân bốn mùa cúng tế... .
Tương truyền, nơi đây 2 lần Thánh hiển. Lần thứ nhất là thế kỷ thứ VI, Ngài trao móng rồng cho Triệu Quang Phục, giúp đánh thắng quân Lương; lần 2 vào thế kỷ XV, khi Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến đây cầu mộng, được ngài báo mộng cho đánh thắng giặc xâm lăng.
Mỗi khi có dịp về mảnh đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, chúng ta lại được nghe một trong những câu chuyện tình yêu đôi lứa đẹp nhất trong lịch sử và văn học của Tiên Dung - Chử Đồng Tử và cuộc sống sinh hoạt, lao động của họ cùng nhân dân trong quá trình khai hoang, mở mang bờ cõi.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.