Video Làng nghề Việt

Đến Huệ Lai thăm làng chạm bạc

Độc đáo, tinh xảo, tỉ mẩn và công phu. Nghề chạm bạc Huệ Lai, lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm, lúc nguy cơ mai một nhưng những người con vùng đất nơi đây vẫn “thắp lửa” nối dài lịch sử nghề truyền thống quê hương.
16:14 - 11/05/2023

Đến Huệ Lai thăm làng chạm bạc

      Người dân thôn Huệ Lai trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm lam lũ, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây nghề chạm bạc đã mang lại cho họ cuộc sống khá giả hơn,cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm.

      Nghề chạm bạc được bắt nguồn từ thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương do ông Đỗ Xuân Chuyển chủ nhiệm hợp tác xã chạm bạc là một trong những người đầu tiên cấy nghề vào làng. Trong những năm đầu, nghề chạm bạc mới được hình thành còn gặp rất nhiều khó khăn cả về vốn, nhân lực và thị trường tiêu thụ. Khi đó kỹ thuật sản xuất chủ yếu sử dụng phương tiện máy, thiết bị thủ công. Cho đến nay, hầu hết các loại máy, thiết bị được sử dụng động cơ chạy bằng điện. Hơn 20 năm làm nghề, trải qua nhiều thăng trầm cùng với làng nghề, ông Chuyển là lớp thợ đi trước, đang truyền đam mê và kinh nghiệm làm nghề cho thế hệ trẻ, để nghề chạm bạc không bị mai một.

      Liệt kê hết ra ta mới thấy nghề chạm bạc Huệ Lai cũng đòi hỏi nhiều công đoạn. Để có thể cho ra một sản phẩm như ý muốn thì cần phải trải qua rất nhiều quy trình chế tác. Đầu tiên là giai đoạn tạo mẫu cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất. Tại đây những ý tưởng sơ khai nhất về một mẫu trang sức mới sẽ được hình thành. Bước tiếp theo là tạo mẫu sáp ví như làm nhẫn thì mẫu nhẫn sẽ được xuất ra và được khắc trên sáp cứng. Nếu làm thủ công bằng tay thì các công cụ cần thiết là dao với nhiều kích cỡ, lưỡi cưa, mũi kim, giũa, khoan nhỏ, máy tiện nhỏ …..

      Tiếp đến là các công đoạn đun chảy kim loại cũng hết sức đơn giản, không cần tới những lò đốt lớn, các cốt kim loại vàng, bạc được cho vào lò đốt tùy thuộc vào khối lượng mà thời gian nóng chảy khác nhau. Cái mùi của lửa cũng như tâm huyết của người thợ chạm bạc Huệ Lai cứ âm thầm ẩn sâu vào trong từng lớp kim loại để những đồ trang sức được sinh ra mang sự sống hòa hợp giữa nét đẹp và con người, tạo nên cảm xúc rất riêng, rất thuần khiết.

     Tiếp nối là công đoạn đổ khuôn, cắt thân cây thông ra khỏi sản phẩm thô, hoàn thiện sản phẩm thô, gắn đá, đánh bóng sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ở công đoạn cuối, mỗi sản phẩm được kiểm tra chất lượng chặt chẽ để đảm bảo độ chính xác và tay nghề chế tác hoàn hảo.

      Tuy mới được công nhận làng nghề từ năm 2004, nhưng nghề chạm bạc đã thực sự làm đổi thay cuộc sống của người dân xã Phù Ủng, những con đường giao thương được mở ra, người ở khắp nơi tìm về mua trang sức Huệ Lai, nghề chạm bạc ngày một phát triển, vượt ra khỏi quy mô địa phương, trở thành một sản phẩm nổi tiếng được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước biết đến, xuất khẩu ra cả thị trường nước ngoài. Ngoài chế tác theo đơn đặt hàng, những người thợ trong làng thường xuyên sáng tạo ra nhiều mẫu mã, sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng như các sản phẩm: Dây chuyền, nhẫn, vòng tay, hoa tai, vòng cổ đem đến một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

       Nếu trước đây, mô hình chung của làng nghề chạm bạc là sản xuất nhỏ lẻ, thì giờ đây sau khi hợp tác xã vàng, bạc Huệ Lai các sản phẩm được hoàn thành sẽ được thu mua và trưng bày tại các cửa hàng để người mua có thể tìm hiểu thông tin và mua các sản phẩm một cách dễ dàng, đảm bảo chất lượng và uy tín. Những sản phẩm vàng, bạc của Huệ Lai được khách hàng rất ưa chuộng bởi thiết kế và đa dạng về mẫu mã.

       Điều khó khăn nhất cho chạm bạc Huệ Lai chính là vốn kinh doanh để sản xuất và duy trì. Bên cạnh đó là uy tín của sản phẩm trên thị trường, song song với quá trình phát triển của làng nghề danh tiếng sản phẩm vàng, bạc Huệ Lai được nhiều người biết đến, kéo theo các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng được quảng cáo là sản phẩm bạc Huệ Lai gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của làng nghề.

      Dù tuổi đời của chạm bạc Huệ Lai không lâu như những làng nghề truyền thống khác nhưng nó đã và đang khẳng định vị thế của mình bằng chính những thay đổi tích cực mà làng nghề đem lại cho địa phương. Những hợp tác xã, những mô hình kinh doanh online tại làng nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và các xã lân cận, giúp giảm bớt tệ nạn xã hội, đem lại một cuộc sống ổn định cho những người dân tại đây.

      Một sản phẩm sinh ra từ trong đời sống và ngày hôm nay trở thành nguồn thu nhập chính của cả một vùng. Cuộc sống có thể đổi thay từng ngày nhưng nghề chạm bạc Huệ Lai thì vẫn vậy, vẫn tỉ mẩn, công phu và tinh tế như con người nơi đây./.

Thực hiện: Hữu Quảng - Trọng Đại