Đền Kiếp Bạc – Nơi tưởng nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Vạn Kiếp là một địa danh lừng lẫy bên dòng Lục Đầu Giang, là vị trí đắc địa về phong thủy, có thế núi hình sông đan xen, dày đặc. Xưa kia, nơi này được coi là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, thuận lợi liên hệ với các miền trong nước, tiện cho việc tiến, lui, tấn công, phòng thủ và phản công chiến lược, giữ vị trí quan trọng trấn giữ cửa ngõ phía Đông Kinh thành Thăng Long xưa. Chính nhờ địa thế thuận lợi của vùng đất này, Vạn Kiếp đã sớm thu hút sự chú ý của vị hoàng thân trẻ tuổi, có tài thao lược - Trần Quốc Tuấn. Vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã chọn Vạn Kiếp là nơi đặt đại bản doanh, lập phòng tuyến quân sự chống giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII. Nơi đây như một chứng nhân lịch sử cho 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị tổng chỉ huy của quân dân Đại Việt.
Nằm ở trung tâm thung lũng dãy núi Rồng của vùng đất Vạn Kiếp xưa, đền Kiếp Bạc ngày nay vẫn mang nét thâm nghiêm cổ kính, là tông miếu linh thiêng của xã tắc, được nhân dân ví là nơi "Quốc tế ban ân". Đền Kiếp Bạc hướng ra sông Lục Đầu với cổng lớn nguy nga, đồ sộ cùng ba cửa ra vào. Đền được khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ 14 (sau khi Hưng Đạo Vương từ trần năm 1300). Qua nhiều thế kỷ do nắng mưa và chiến tranh các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy thời Trần, Lê của đền Kiếp Bạc không còn đầy đủ như cũ, chỉ còn lại hậu cung, tiền bái và nghi môn. Các công trình kiến trúc hiện nay của đền chủ yếu do một số quan lại xứ Bắc, xứ Đông thời bấy giờ khởi xướng cùng nhân dân trùng tu tôn tạo. Bước chân đến đền Kiếp Bạc, du khách sẽ choáng ngợp với cổng nghi môn đồ sộ, hoành tráng. Đây được coi là một trong những công trình kiến trúc độc đáo, hiếm thấy trong các công trình văn hóa cổ ở khu vực Bắc Bộ. Nghi môn được thiết kế kiểu cổng thành, mang dáng hình của bức cuốn thư với ba cửa vòm và hai trụ biểu lớn. Trên mặt ngoài cổng có 9 chữ lớn, trong đó phía trên là 4 chữ "Hưng thiên vô cực", phía dưới là 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ". Đáng chú ý ở cổng nghi môn là biểu tượng hình tròn đặt ở tư thế long chầu trên đỉnh nghi môn. Dưới thời Trần, hình tròn này tượng trưng cho bầu trời. Phía dưới hình tròn là từng cặp tứ linh đối xứng tạo điểm nhấn cho các bức hoành phi, câu đối ca ngợi Đức Thánh Trần và vùng đất Kiếp Bạc. Phần trên của nghi môn là sự hội tụ của hai yếu tố âm - dương, bao phủ lấy phần dưới, tượng trưng cho sự giao hoà của vũ trụ, nhằm cầu mong sinh sôi phát triển. Giữa sân là nhà bạc, nằm trên đường Thần đạo, là cầu nối giữa nghi môn và đền chính, mang ý nghĩa như một tắc môn chắn tà khí cho đền. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ trọng thể của Nhà nước dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương.
Đền Kiếp Bạc hiện nay mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, theo lối thức “tiền nhất hậu đinh”, gồm 3 toà: tiền tế, trung từ, hậu cung đều được sơn son thếp vàng cùng những nét họa tiết rồng phượng bay bổng và tinh tế được chạm trổ rất tỉ mỉ.
Đi từ ngoài vào, toà tiền tế thờ công đồng bách quan Trần triều. Toà Trung từ thờ vọng ngai bài vị tứ vị hoàng tử (4 vị con trai của Đức Thánh Trần) và Vệ Suý Điện Tiền Tướng Quân Phạm Ngũ Lão, hai bên tả, hữu thờ gia tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. Tại vị trí trang trọng nhất của tòa hậu cung đặt tượng thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sâu trong hậu cung là nơi đặt bàn thờ gia tiên. tượng thờ phu...