Video Về chốn linh thiêng

Đền Mây huyền tích

Giữa phong cảnh trữ tình của vùng quê Bắc Bộ, đền Mây thâm trầm, uy nghiêm bên bến Lảnh của mảnh đất Phố Hiến xưa. Ngôi đền là không gian tín ngưỡng thờ vị tướng quân tài ba có công trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ.
11:05 - 24/11/2021

Đến với đền Mây để cảm nhận sự linh thiêng với nhiều huyền tích kì bí gắn liền với người anh hùng có công với đất nước – tướng quân Phạm Bạch Hổ.

Bến Lảnh hay còn gọi là bến đò Mây nay đã không còn cảnh trên bến dưới thuyền như thuở nào, giờ bình lặng giữa khung cảnh một vùng quê đã lên phố thị. Nhưng bên bến Lảnh này vẫn còn đó một ngôi đền được xây dựng từ cuối thế kỷ 10. Đó chính là đền Mây, nay thuộc khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Trước cửa đền, cây đa cổ thụ vẫn tỏa mát rộng cả góc trời tạo nên không gian vừa thân thuộc của làng quê, vừa linh thiêng của chốn thờ tự. Cảnh sắc trữ tình thuở xưa còn in dấu đến bây giờ đã đi vào câu ca: Trăm cảnh nghìn cảnh không bằng bến Lảnh, đò Mây.

Đền Mây được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật từ năm 1992, và nay là một di tích tiêu biểu nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Nơi đây thờ danh tướng Phạm Bạch Hổ. Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm 910, quê ở Đằng Châu. Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy sơn tinh và hổ trắng rồi có thai nên đặt tên ông là Phạm Bạch Hổ. 

Từ nhỏ ông đã là một cậu bé thông minh hiếu học, có sức khỏe hơn người. Lớn lên, ông có thân hình vạm vỡ, giỏi văn chương và tinh thông võ nghệ. Phạm Bạch Hổ từng là hào trưởng đất Đằng Châu. Năm 930, khi mới 20 tuổi, ông phò tá Dương Đình Nghệ dẹp tan quân Nam Hán. 7 năm sau, ông đầu quân cho Ngô Quyền, góp công đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc sau gần 1.000 năm Bắc thuộc.

Khi nhà Ngô suy vong, các hào kiệt nổi lên cát cứ từng vùng, tướng quân Phạm Bạch Hổ chiếm giữ vùng Đằng Châu và là một trong 12 sứ quân thời đó. Nhưng năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh giương cao ngọn cờ dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Bạch Hổ đã đầu quân cho Đinh Bộ Lĩnh, được phong làm Thân Vệ đại tướng quân và góp sức cho triều đại nhà Đinh. Năm 980, khi Thập đạo tướng quân của nhà Đinh là Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, Thân vệ đại tướng quân Phạm Bạch Hổ lúc bấy giờ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn xung phong ra trận để dẹp quân Tống xâm lược.

Sau khi tướng quân Phạm Bạch Hổ mất, vua Lê Đại Hành đã phong ông là Đằng Vương (nghĩa là vua Mây) và lệnh cho nhân dân Đằng Châu lập đền thờ tại nơi ông đóng quân và tôn ông là Thành Hoàng làng. Các triều đại phong kiến đều phong ông là “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”. Tướng quân Phạm Bạch Hổ được nhân dân ngưỡng mộ lập đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn hơn cả là đền Mây ở quê hương ông.

Đền Mây được xây dựng khá sớm, ngay sau khi tướng quân Phạm Bạch Hổ mất, vào cuối thế kỷ 10 nên đến nay di tích đã có niên đại hơn nghìn năm tuổi. 

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.