Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, xưa thuộc xã Bảo Cựu, phủ Ứng Thiên, nay là làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, nên đền còn được gọi theo địa danh của làng là đình Nội Bình Đà. Sở dĩ gọi là đình nội để phân biệt với đình ngoại của làng. Tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2, đền nhìn ra hướng Tây, có núi Tam Thai – nơi đặt mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, gồm các hạng mục chính: tiền môn, phương đình, đại bái, tiền tế, hậu cung.
Được xây dựng từ cổ xưa, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền được trùng tu nhiều lần sau mỗi kỳ bị đốt phá, hủy hoại. Dấu ấn thời gian còn lưu giữ lại qua những tấm bia thời Lý, thời Lê Trung Hưng. Đến thời Khải Định (1918), đền được trùng tu với quy mô lớn. Từ năm 1980 đến nay, đền được trùng tu, phục dựng với quy mô hoàn chỉnh như ngày nay.
Ngôi đền gắn liền với truyền thuyết thời dựng nước, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển để cùng nhau khai cơ mở nghiệp. Tương truyền, Lạc Long Quân cùng 50 người con xuôi đường ra Nam Hải, đến đất Bảo Cựu (sau này đổi tên là Bảo Đà, nay là Bình Đà) khi đó cách biển không xa, truyền cho các con dừng chân dựng trại. Cha thấy thế đất “lục long triều hội, lưỡng phượng giao phi” bèn chọn nơi đây xây dựng cơ nghiệp, khai khẩn đất hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, mở mang bờ cõi. Từ đó, ở Bảo Cựu đã hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng. Khi Đức Quốc Tổ hóa, Ngài được an táng tại gò đất cao nhất vùng gọi là Tam Thai thuộc đất Bảo Cựu. Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân trong vùng đã lập ngôi đền thờ Ngài trên đất Bình Đà. Suốt sáu thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Đức Quốc Tổ và đã có 16 sắc phong của các triều đại suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần”.
Đây là một di sản văn hóa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng về thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc, là điểm tựa tinh thần gợi nhớ về nguồn cội và là niềm tự hào của người Việt Nam về tổ tiên của mình.
Thực hiện: Việt Hoa, Hoàng Thuyên