Video Về chốn linh thiêng

Đền Văn Hiến và câu chuyện về những danh nhân khoa bảng

Một ngôi đền từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với sự linh thiêng và với cái tên “Văn Hiến”, đúng như truyền thống hiếu học của dân làng.
17:08 - 21/11/2021

Nơi đây thờ những danh nhân khoa bảng, người học cao, đỗ đạt, một di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đầy tự hào của một làng quê hiền hòa bên dòng sông Nhuệ.

Đền Văn Hiến, tên chữ là Văn Hiến Đường thuộc huyện Đan Phượng, nơi có thành cổ Ô Diên, được coi là quốc đô vào thế kỷ VI. Thành Ô Diên gắn với các nhân vật lịch sử là Lý Nam Đế, Lý Phật Tử và nhà nước Vạn Xuân; là trung tâm chính trị, quyền lực, hành chính và kinh tế, văn hóa vương triều Hậu Lý Nam Đế. 

Đền Văn Hiến xưa kia là văn chỉ thờ Khổng Tử và là nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành, người con ưu tú của quê hương qua đời, thể theo nguyện vọng của ông, triều đình cho nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây.

Đền Văn Hiến tọa lạc trên khu đất cao đầu làng, nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ, tạo cho di tích sự gắn bó hòa nhập với phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ bao quanh. 

Cổng lớn của đền  có bức đại tự “Thánh vực hiền quan” (tức: cõi các bậc thánh nhân, cửa các vị hiền triết) nói lên tầm vóc của ngôi đền. 

Khuôn viên đền Văn Hiến nay được mở rộng, phía trước sân lớn là hồ bán nguyệt. Bao quanh là vườn hoa, cây cối xanh tươi.  

Giữa sân đền cũng là trung tâm khuôn viên đền Văn Hiến đặt tượng lớn danh nhân Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành (1102 - 1179) hiệu Phi Diên và Đại Liêu, người hương Ô Diên, huyện Từ Liêm, nay là làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Ông là con quan Phủ doãn Tràng An Tô Trung và bà Nguyễn Thị Đoan. Từ thuở nhỏ, Tô Hiến Thành đã tỏ rõ thông minh, tài trí hơn người, lớn lên nổi tiếng văn võ kiêm toàn, đức trí kiêm ưu. 

Ông làm quan dưới ba triều vua Lý từ Lý Thần Tông, là cây trụ cái của hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là nhân vật lịch sử có công lớn trong việc tổ chức quân đội, giữ yên biên thuỳ, mở mang văn hiến, chăm lo đời sống nhân dân, tiến cử hiền tài, phò vua giúp nước trọn cả cuộc đời.

Tại đền còn có khu “Tô Vương lăng Thái sư mộ”. Nhân dân địa phương còn lưu giữ được nhiều truyền thuyết về cuộc sống thanh cao và giàu tinh thần chiến đấu chống thế lực cường quyền ở địa phương để bảo vệ dân cũng như đức độ của ông đối với người thân và bà con làng xóm.

Các kiến trúc chính của đền được xây dựng theo hướng Đông. Sau lần tôn tạo năm 2005, quy hoạch mặt bằng nhà Đền và nhà Mẫu chuyển sang phía trái. Khu “Tô Vương lăng Thái sư mộ” nhìn thẳng nhà bia “Văn Hiến Đường bi ký” bên hồ bán nguyệt.   Đánh giá công lao sự nghiệp hai vị đại khoa của làng, Văn Hiến Đường bi ký ghi: “Công trạng của hai ngài ở nơi xã tắc, ân trạch của hai ngài ở nơi làng xóm, tinh thần anh linh của hai ngài ở giữa trời đất”. Tức Tô hiến Thành và quan nghè Đỗ Trí Trung (cũng là một người con của xứ Ô Diên). 

Đặc biệt, tại đền Văn Hiến còn lưu giữ được bộ Bia Khoa Tràng (Bia ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi thuở trước).

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.