Video Về chốn linh thiêng

Đình Khương Hạ - Nét xưa dáng cũ

Là vùng đất nằm bên bờ sông Tô Lịch, làng Khương Hạ xưa, nay đã trở thành phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giữa phố phường ngày càng đông đúc, chen chúc, đình Khương Hạ cổ kính vẫn nằm đó để thấy được dấu vết xa xưa còn in dấu.
21:56 - 18/06/2023

      Đình Khương Hạ - Nét xưa dáng cũ

       Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, đình Khương Hạ được xây dựng theo trục trung tâm quay về hướng Đông Nam, cổng chính mở ra con đường làng nay là phố Khương Hạ. Ngôi đình nằm trên một khuôn viên khá rộng, được xây dựng bề thế, khang trang với nét kiến trúc đình làng Bắc Bộ cùng nhiều mảng chạm khắc độc đáo vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.

       Theo bản sắc phong sớm nhất ở đình ghi niên hiệu Đức Long năm thứ tư (1632) đời vua Lê Thần Tông cho thấy, đình Khương Hạ được xây dựng từ khá sớm, ít nhất đã có từ thế kỷ XVII. Được trùng tu nhiều lần qua nhiều triều đại, đình Khương Hạ ngày nay mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê và Nguyễn.

        Từ bên ngoài là nghi môn gồm bốn trụ biểu, trên mỗi cột chính có đắp bốn chim phượng chụm đuôi, trên hai cổng phụ có đôi nghê chầu. Nghi môn chính là ranh giới tạo ra 2 khoảng không gian dường như đối lập, giữa một bên là ồn ào phố xá và một bên là sự trầm tĩnh của đình làng xưa. Chỉ cần bước qua cổng đình, lòng người như có sự thanh tịnh hơn, bình an hơn để bỏ lại phía sau những xáo động trong tâm hồn của cuộc sống hối hả, bộn bề lo toan.

       Qua cổng là sân đình rộng rãi, được lát gạch đỏ. Trước cửa đình đặt hai cây đèn và hai con nghê đá lớn, được làm từ đầu thế kỷ XX. Hai ngôi nhà nằm song song hai bên sân đình là hai dãy nhà tả hữu mạc là nơi sắp lễ vật dâng lên Thành Hoàng, mỗi dãy ba gian, có kiến trúc đơn giản được lợp bằng ngói ta. Hai bên tả hữu mạc đều có cây đa cổ thụ che bóng mát. Bóng đa phủ mát cả góc sân đình như chứng tích cho những câu chuyện xưa của bao thế hệ người dân làng Khương Hạ đã lớn lên, chứng tích cho bao biến cố thăng trầm của lịch sử.

       Lưng đình giáp với sân hậu hình vuông có diện tích khá rộng có nhiều cây cổ thụ tạo nên một không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng. Dọc bên sân còn có một hồ nước hình chữ nhật, diện tích khoảng 1000m2 mang đến khung cảnh hài hòa và bình yên.

       Ngôi đình Khương Hạ ngày nay mang vẻ đẹp phong cách kiến trúc chủ yếu vào thời Nguyễn. Nằm trên một nền đất cao, toà đại đình có kiến trúc theo kiểu liên hoàn với nhà tiền tế năm gian hai dĩ, lợp ngói ta, trên đắp hình lưỡng long chầu mặt trời. Tòa đại bái rộng bảy gian, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Hậu cung là nơi thờ tự chính của ngôi đình, có nhiều mảng chạm khắc với đề tài tứ linh ở y môn, cửa võng, hương án, khán thờ mang đậm nét của nghệ thuật chạm gỗ cuối thời Nguyễn.

       Ngôi đình thờ Thành hoàng làng Khương Hạ là Lê Dương Vệ, một danh tướng sống vào cuối đời Lê Sơ đã có nhiều công lao phò Lê, chống Mạc. Sau  khi hóa, Ngài được Nhân dân tôn thờ làm Thành hoàng làng. Do có nhiều công lao giúp đỡ đất nước và che chở cho Nhân dân nên trải qua các đời vua Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều ban sắc phong cho Ngài và chuẩn cho Nhân dân nơi đây muôn đời thờ phụng.

       Tới nay, đình Khương Hạ còn lưu giữ được nhiều di vật quý mang đậm nét của nghệ thuật cuối thời Nguyễn, như: Một tấm bia Khương Hạ học đường dựng năm Bảo Đại thứ 8 (1933), sáu tấm bia đá ở tường nhà tả mạc, một nhang án gỗ chạm rồng, hổ phù, mây, một long ngai, bài vị, một khám thờ, hai bức đại tự, hai mươi hai đạo sắc phong có niên đại từ năm Đức Long thứ 4 (1632) đến năm Khải Định thứ 9 (1924).

      Nhờ lưu giữ và bảo tồn được nhiều giá trị quý, đình Khương Hạ đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1993.

       Lễ hội đình Khương Hạ được tổ chức hàng năm vào từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 02 Âm lịch. Đặc biệt, cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì tổ chức lễ Trọng. Đây là dịp người dân náo nức vui hội cũng như tỏ lòng thành kính tri ân đối với Thành Hoàng làng có công với nước với dân. Lễ hội truyền thống đình Khương Hạ là hoạt động văn hóa, tâm linh thường niên thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa cổ truyền của dân tộc.

      Mái đình Khương Hạ không chỉ là hình ảnh quen thuộc, gắn bó với mỗi người dân làng quê xưa mà còn là không gian văn hóa tâm linh cho người dân vùng đất Khương Đình ngày nay.

      Mỗi dấu tích của ngôi đình trường tồn cùng thời gian đã kể lại cho hậu thế những câu chuyện lịch sử của cha ông, còn đọng lại những nét đẹp xưa dưới mái đình làng để luôn nhắc nhớ các thế hệ con cháu về truyền thống của dân tộc./.

Thực hiện: Việt Hoa – Trọng Đại