Video Về chốn linh thiêng

Đình Tường Phiêu - Nét đẹp đình làng xứ Đoài

Là nơi chứa đựng bề dày văn hoá lâu đời, chốn linh thiêng gắn bó với đời sống tinh thần của người dân trên quê hương Tường Phiêu, đình Tường Phiêu vẫn hiện hữu gần như nguyên vẹn với vẻ đẹp đặc trưng trong kiến trúc dân gian của đình làng xứ Đoài.
14:47 - 09/02/2024

Nằm cách trung tâm Thủ đô hơn 40km, đình Tường Phiêu ở làng Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, là một di tích cổ kính nổi tiếng xứ Đoài. Làng Tường Phiêu là làng lớn nhất trong tổng Tường Phiêu xưa nên thường được gọi là làng Cả, vì thế mà đình Tường Phiêu còn được gọi là đình Cả. 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và văn bia còn ghi lại thì đình Tường Phiêu được xây dựng từ năm 1430, là một trong những ngôi đình có niên đại xây dựng sớm của Bắc Bộ và được tu bổ nhiều lần từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 mới được to đẹp, khang trang như ngày nay. Đây là ngôi đình lớn trong vùng, mang dấu ấn kiến trúc độc đáo thời hậu Lê vào thế kỷ 17, 18 và là một di tích còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu về vật thể và phi vật thể. 

Đình được xây dựng trên một khu đất rộng, bằng phẳng giữa làng, nhìn ra hướng Tây Nam, hướng mà dân làng Tường Phiêu từ xa xưa đã lựa chọn để nhìn được ngọn núi Ba Vì - nơi có đền thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn. Đình Tường Phiêu bao gồm các hạng mục: Nghi môn, sân, đại đình, tả mạc và một số hạng mục phụ trợ.

Nghi môn chính hay cổng chính của đình được xây hai trụ cao to bằng đá ong. Hai cổng phụ và tường bao cũng đều được xây bằng đá ong - một chất liệu thường bắt gặp trong các công trình xứ Đoài, đã tạo nên vẻ cổ xưa và sự bền vững qua thời gian. Sân đình rộng rãi được lát gạch bát đỏ. 

Di tích nổi bật với tòa đại đình, vừa là nơi thờ phụng, vừa là nơi hội họp. Vì không có hậu cung nên đại đình có kiến trúc xưa với kiểu chữ “Nhất”. Đứng ở sân nhìn vào, đại đình như một ngôi nhà sàn lớn, được cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái và các đầu đao. Mái đình lợp ngói mũi hài, xòe rộng tỏa đều ra 4 phía với các góc mái vuốt lên tạo thành đao guột vươn lên cong vút. Trên nóc đình đắp nổi “lưỡng long chầu nhật” uốn lượn sống động. Đầu bờ nóc đắp nổi con kìm, bờ giải có từng cặp sấu với chất liệu bằng sành nung mang dấu ấn thời Lê Trung hưng, nghê đối xứng nhau.

Từ bao đời nay, đình Tường Phiêu trở thành di tích gắn bó với đời sống tinh thần của dân làng, nơi tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức Thánh và Thành hoàng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng như cầu mong các bậc Thánh hiền ban phúc lành cho muôn đời con cháu. Trải qua bao thăng trầm, đình Tường Phiêu được khôi phục, bảo tồn với dáng vẻ khang trang như hôm nay không chỉ là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây mà còn là điểm đến để người dân muôn nơi có dịp được thưởng ngắm một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ xưa tiêu biểu của xứ Đoài./.        

                                                                                                                                                                                                                                                               ...