Video Làng nghề Việt

Dịu dàng nón lá Thới Lai

Nằm ở ngoại thành của thành phố Cần Thơ, như bao vùng đất miền Tây sông nước, huyện Thới Lai chằng chịt kênh rạch. Ghé mảnh đất này vào bất kì mùa nào trong năm ta cũng đều có thể bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị ngồi ven sông miệt mài chằm nón.
02:28 - 11/02/2021

Thới Lai lắm kênh, nhiều rạch, đất vùng trũng ẩm ướt quanh năm. Trên nền đất ấy, các khóm trúc đua nhau mọc lên xanh tốt. Người dân trong các ấp nhỏ kể lại cách đây độ vài chục năm, sau vườn nhà nào cũng là những rừng trúc. Hành trình ở của những chiếc nón Thới Lai cũng bắt nguồn từ những rừng trúc mọc ngay sau nhà ấy, khi những người đàn ông cặm cụi chọn những cây trúc đủ già chặt đem về chuốt làm vành  nón.

Ở Thới Lai cũng có đầy đủ các kiểu nón, từ chiếc nón thướt tha để đội đi chơi của các cô gái đến nón đội ra đồng làm ruộng của người nông dân. Nón đội để đi chơi sẽ cầu kì hơn trong khâu chọn lá nón, cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, trau chuốt, trắng và không được có vết. Nón đi ruộng thì vành rộng, đòi hỏi bền, chắc nhưng phải nhẹ. Người ta vẫn gọi nôm na là nón Huế va nón Bình Định, trong đó nón Bình Định – kiểu nón dành để đi lao động là kiểu nón được ưa chuộng và nổi tiếng nhất của vùng đất Thới Lai này.

Nghề làm nón ở Thới Lai có lịch sử khoảng hơn 70 năm. Thuở làng nghề còn hưng thịnh, trong các xóm nhỏ ở nơi này đâu đâu cũng rộn ràng những tổ chằm nón. Người ta chong đèn chằm tối, tổ chức chằm nón thi. Những cô gái chằm khéo, chằm nhanh sẽ luôn là những cô gái nổi tiếng trong vùng.

Ngày hôm nay, thanh niên ở nơi này phần nhiều đi làm ăn xa, chằm nón trở thành một nghề giành cho các bà, các mẹ làm thêm lúc nông nhàn. Để giữ nghề làm nón của quê hương, người ta tìm cách liên kết với các công ty ở thành phố tạo đầu ra cho nón lá. Nón lá nhờ những con người luôn đau đáu với nghề như thế mà vẫn tiếp tục được giữ gìn.

Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.