Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống
Nằm ven đê sông Hồng, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh truyền thống. Từ những năm 1960, theo phương pháp thủ công, người dân trong làng dùng bễ lò rèn đạp gió, tận dụng bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng làm nguyên liệu và tạo ra những sản phẩm thủy tinh ứng dụng phục vụ nhu cầu của cuộc sống.
Từ nghề truyền thống của cha ông, bằng sự tài tình khéo léo, những người dân nơi đây đã phát triển và tạo nên nhiều sản phẩm mới độc đáo và tinh xảo như bóng đèn, cốc, chai lọ, con giống, nắp phích…
Dưới cái nắng gần 40 độ C, trong căn xưởng chưa đầy 20m2 tại thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, bên chiếc bàn nhỏ cùng máy khò, ông Đặng Văn Thọ vẫn ngày ngày miệt mài đỏ lửa chế tác ra những sản phẩm truyền thống bằng chính đôi tay tỉ mẩn và hơi thở nhiệt huyết của mình. Được người bố truyền lại nghề thổi thủy tinh từ năm 13 tuổi, tính tới nay anh Thọ đã có gần 40 năm gắn bó với nghề.
Để làm được những sản phẩm đẹp và đảm bảo chất lượng, người thợ phải cẩn thận ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Các ống thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu khác nhau như vàng, trắng.
Tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm mà quy trình sản xuất có thể khác nhau như thổi, ép, kéo, cuốn… Tuy nhiên, nguyên lý chung của nghề là nung chảy thủy tinh rồi người thợ sẽ dùng tay xoáy rồi thổi để tạo hình theo mong muốn.
Để có được những sản phẩm ưng ý và đẹp mắt, những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt bên cạnh một ngọn lửa khò với nhiệt độ lên đến 1.000 độ C, không kể mùa đông hay mùa hè.
Mỗi hộ sản xuất thủy tinh đều giữ cho mình những bí quyết riêng trong công đoạn nung nóng và tạo hình để làm ra những sản phẩm có độ bền cao, độ trắng trong, đồng đều và an toàn. Các sản phẩm thủy tinh đều mang hồn cốt của người dân xã Thống Nhất bởi nó được làm ra từ sự chăm chút và lòng tự hào tiếp nối truyền thống của cha ông. Theo thời gian, những sản phẩm thủy tinh dần vươn ra khỏi lũy tre làng, trở thành vật dụng không thể thiếu ở nhiều miền quê của dải đất hình chữ S.
Người thợ thổi thủy tinh, ngoài sự khéo léo còn cần phải có tính kiên nhẫn và tập trung cao độ. Bởi đây là một công việc khá nguy hiểm, khi người thợ thường xuyên tiếp xúc với lửa, chỉ cần một sơ suất nhỏ là tai nạn có thể xảy ra. Vì vậy, chỉ có những người thực sự yêu nghề mới dám hy sinh để gắn bó lâu dài với nghề này.
Trước đây, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, chất lượng của sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật, kinh nghiệm kết hợp với sự tài hoa từ bàn tay, khối óc thẩm mỹ của người thợ. Ngày nay, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư máy móc hiện đại nhằm sản xuất ra các vật dụng với số lượng lớn.
Việc ứng dụng máy móc hiện đại đã giúp các hộ sản xuất nâng cao năng suất lên gấp nhiều lần mà không cần quá nhiều nhân công lao động. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ đáp ứng được những sản phẩm đơn giản, đối với những sản phẩm tinh xảo, cầu kỳ cần nhiều chi tiết thì vẫn không thể thiếu được đôi bàn tay khéo léo và hơi thở của người thợ.
Theo dòng chảy thời gian, nghề nối nghề, cha truyền con nối, nghề thổi thủy tinh vẫn được giữ gìn và phát triển. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thống Nhất, Lương Tuấn Nghĩa là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề thổi thủy tinh. Anh vẫn ngày ngày theo bố học nghề với mong muốn có thể tiếp nối và phát triển nghề truyền thống của quê hương.
Nếu mỗi công việc trong cuộc sống như một màu sắc riêng hoà quyện vào nhau để tạo thành một bức tranh tổng hòa của xã hội, thì nghề thổi thuỷ tinh truyền thống sẽ là một mảng màu xưa cũ nhưng lại mang một dấu ấn chẳng thể nào nhạt phai. Người làm đồ thủy tinh tại xã Thống Nhất mang một vẻ đẹp biểu trưng của người lao động, nét đẹp của sự cần mẫn, dung dị mà lại vô cùng tinh tế.
Thực hiện: Tùng Lâm - Ngọc Lệ - Hồng Thúy - Sỹ Thành