Video Làng nghề Việt

Độc đáo chế tác đá cảnh ở Lạc Thủy

Từ những tảng đá nặng hàng tấn thô kệch, xù xì, qua bàn tay khéo léo của người thợ, đã trở thành những sản phẩm mang tính ứng dụng cao như những bộ bàn ghế đá, hồ cá Koi, núi đá phong thủy. Hãy đến với nghề chế tác đá cảnh ở Lạc Thủy.
16:39 - 29/11/2023

Độc đáo chế tác đá cảnh ở Lạc Thủy

Từ trên cao nhìn xuống thôn Sỏi, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình là các cơ sở sản xuất đá cảnh nằm san sát nhau dọc đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 21A. Nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy được người dân làm từ những năm 2007, lúc đầu chỉ có một số hộ đi khai thác đá cảnh tại các địa phương trong và ngoài huyện đưa về bán thủ công cho các thương lái ở ngoài tỉnh như Hà Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình... Song qua một thời gian người dân thấy nếu bán thô như vậy cho thu nhập không cao, từ đó những người làm đá đã mời các nghệ nhân nơi khác về truyền nghề, năm 2009 xã Phú thành, huyện Lạc Thủy kết hợp với Trung tâm dạy nghề, tạo việc làm, tỉnh mở lớp cho 90 nghệ nhân được cấp chứng chỉ. Từ đó, các nghệ nhân dần dần nắm được kỹ thuật làm đá cảnh, phong trào chế tác đá cảnh phát triển trong làng có khoảng 80% số hộ tham gia khai thác và chế tác. Năm 2015, thôn Sỏi, xã Phú Thành được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Bằng công nhận làng nghề chế tác đá cảnh thôn sỏi, xã Phú Thành.

Bằng sự đam mê, ham học hỏi, họ đã trở thành những người thợ chế tác. Với kinh nghiệm khai thác đá, hiểu đặc trưng, tính chất của từng loại đá nên họ sản xuất những mặt hàng phù hợp với từng loại đá khác nhau. Các mặt hàng chủ đạo của làng nghề thôn Sỏi có thể kể đến như đá viên, đá tảng, núi non bộ tạo cảnh quan cho sân vườn, bàn ghế đá sân vườn, hồ cá Koi. Những sản phẩm của thôn Sỏi dần có chỗ đứng trên thị trường do xu thế của kiến trúc bây giờ là gần gũi thiên nhiên, mang năng lượng của thiên nhiên vào cuộc sống nên các sản phẩm từ đá rất được ưa chuộng. Giá trị mỗi sản phẩm tuỳ thuộc vào các yếu tố: chất liệu đá màu quý (đá ngũ sắc, đá xanh mã não, đá báo hồng, đá đen, đá mộc hoá thạch…), độ già, non, đường nét nghệ thuật trên đá. 

Hiện nay, làng nghề có 18 cơ sở lớn, thành lập được 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành đá cảnh thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động làng nghề. Ngoài lượng khách hàng đến thăm quan thực tế để chọn mua sản phẩm, làng nghề phát triển mạnh về bán hàng online, được người tiêu dùng trong nước tin dùng, tiêu thụ mạnh nhất ở thị trường miền Nam.Thị trường tiêu thụ rất rộng, nhưng tập trung tiêu thụ ở các thị trường như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, ... Có thời gian còn xuất khẩu đi nước ngoài. 

Các sản phẩm từ đá ở thôn Sỏi đã từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng đa dạng của thị trường tron nước. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện quan tâm tới việc xây dựng các làng nghề sản xuất nhằm phát huy thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh hơn nữa phòng trào giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cho lớp thợ trẻ đi sâu vào nghề để sản phẩm đá cảnh của địa phương vừa giữ được nét truyền thống, vừa đạt đến độ tinh xảo, đặc sắc riêng biệt và xây dựng thương hiệu làng nghề cho đá cảnh thôn Sỏi. Thời gian tới, để làng nghề chế tác đá cảnh Hòa Bình được phát triển, mở rộng quy mô khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh, cá nghệ nhân làm đá rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy chính quyền địa phương.

Thực hiện: Lan Anh - Sỹ Thành