Đổi mới trên làng nghề thêu ren Thanh Hà
Khi nhắc đến các làng nghề thêu tay truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, không thể không kể đến làng thêu ren xã Thanh hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Nghề thêu ren xuất hiện tại Thanh Hà vào khoảng năm 1893, đến nay đã tồn tại được ngót nghét 130 năm. Thuở ban đầu, nghề thêu ren chỉ phát triển mạnh ở hai thôn An Hòa và Hòa Ngãi, về sau, nghề lan rộng ra toàn xã, trở thành một nghề đem lại thu nhập chính cho xã Thanh Hà.
Sản phẩm thêu của Thanh Hà đa dạng và phong phú gồm cả các dòng tranh thêu trang trí đến những sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày như chăn, đệm. Nói về kĩ thuật thêu, bên cạnh các kỹ thuật thêu truyền thống như: Độn, lướt vặn, bỏ bạt, đâm xô, nối đầu… thì nghề thêu ở Thanh Hà còn phát triển thêu nhiều kĩ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng. Đường chỉ mịn màng, chân chỉ lẩn kín... những điều này đã trở thành thương hiệu của các sản phẩm thêu tay Thanh Hà.
Những năm gần đây, đứng trước sự đổi thay như một cơn bão của cơ chế thị trường, làng thêu ren Thanh Hà đã có lúc gặp phải không ít khó khăn. Các sản phẩm thêu tay truyền thống đẹp về mẫu mã nhưng lại đắt về giá thành do nhân công cao, lại mất nhiều thời gian sản xuất, gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm dệt máy. Làng thêu Thanh Hà cũng phải đổi thay tìm những hướng đi mới với hi vọng cứu được làng nghề truyền thống.
Các công ty thêu chuyên nghiệp được thành lập, máy móc hiện đại được nhập về. Bản thân các hộ làm nghề đã không ngừng học hỏi, cải tiến phương tiện kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu của thị trường. Nghề thêu ren được khôi phục và phát triển ở tất cả các thôn, xóm tạo việc làm thường xuyên cho trên 50% lao động và sử dụng được phần lớn lao động nông nhàn. Cả xã Thanh Hà lại rộn ràng tiếng máy dệt.
Không chỉ thế, làng thêu ren Thanh Hà còn phát triển theo hướng chuyên môn hóa với sự phân chia rõ ràng của các xưởng thêu, xưởng giặt là, in ấn... tạo thành chuỗi sản xuất. Theo số liệu thống kê năm 2022 toàn xã Thanh Hà có 5000 khung thêu, 30 hộ có thiết bị giặt là, in. Có 5 nghệ nhân và 76 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh công nhận. Các nhân công nhận gia công hàng về nhà hoàn thiện theo công đoạn thì rất nhiều.
Sự đổi thay của làng nghề thêu truyền thống, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các máy móc hiện đại phải chăng là dấu chấm hết cho dòng sản phẩm thêu tay truyền thống ở Thanh Hà?
Say mê các dòng sản phẩm thêu tay truyền thống của địa phương lại không đành lòng nhìn những tinh hoa truyền thống hơn 100 năm tuổi bị mất đi, anh Phạm Sỹ Minh đã tìm một hướng đi khác cho dòng sản phẩm thêu tay truyền thống của địa phương mình – xuất khẩu.
Khác với thị trường trong nước đòi hỏi về thời gian và giá thành rẻ, thị trường Châu Âu lại chú trọng đến sự tinh xảo của sản phẩm. Nắm bắt được đặc điểm này, anh Minh tìm cách xuất khẩu các sản phẩm thêu tay của địa phương sang các thị trường khó tính tại Châu Âu. Anh chia sẻ, để có thể được thị trường khó tính này chấp nhận là vô vàn những khó khăn từ khâu sản xuất đến hậu mãi, là rất nhiều những tiêu chí phải được đảm bảo, tuy nhiên ngược lại khi hàng của mình đã được chấp nhận tại các thị trường quốc tế cũng đồng nghĩa với việc giá trị của sản phẩm được nâng lên rất nhiều, đủ để các nghệ nhân thêu tay của Thanh Hà yên tâm giữ gìn nghề truyền thống.
Bên cạnh tập trung vào phát triển kinh doanh, tìm thị trường cho sản phẩm thêu của địa phương, thêu ren Thanh Hà còn những hướng đi khác đầy hứa hẹn và một trong số đó là du lịch. năm 2021 sản phẩm thêu ren Thanh Hà đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam cũng xác định làng thêu ren truyền thống Thanh Hà là một trong những trọng điểm của mô hình bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, để có thể nhìn thấy hiệu quả của hướng đi này vẫn còn là một chặng đường dài đầy khó khăn ở phía trước.
Và mảnh đất của nhưng khung thêu, sợi chỉ ngày nào vẫn đang trụ vững cùng thời gian. Đó là nhờ trí tuệ, nhờ sự nhạy bén của người dân làng nghề. Và hơn tất cả, đó là nhờ vào tình yêu mà dân Thanh Hà dành cho làng nghề truyền thống của địa phương mình./.
Thực hiện: Nguyên Hạnh – Trọng Đại