Video Về chốn linh thiêng

Đồn Cả Phan Bá Vành: Tưởng nhớ vị thủ lĩnh nông dân

Nằm tại thế đất trên lưng con bạch hổ, nhìn ra đại huyệt ngoài của cửa sông Hồng, di tích Đồn Cả Phan Bá Vành, là nơi thờ vị thủ lĩnh Phan Bá Vành – người đã lãnh đạo phong trào nông dân khởi nghĩa vào nửa đầu thế kỷ 19 làm nghiêng ngả triều đình nhà Nguyễn.
19:56 - 25/05/2022

Làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ngày nay thật yên ả, thanh bình mang nét đặc trưng của quê hương lúa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Để có sự yên bình ấy, mảnh đất bên bờ sông Hồng này từng bao lần dậy sóng với sự nổi dậy của những người nông dân cơ cực, bần hàn để đòi lấy quyền được sống tự do, được ấm no và hạnh phúc ngay trên chính mảnh ruộng quê hương mình. Nay trên mảnh đất này, những người con Vũ Bình đã xây dựng di tích Đồn Cả Phan Bá Vành để tưởng nhớ tới công lao to lớn của vị thủ lĩnh nông dân đã dựng cờ khởi nghĩa giành cơm áo cho dân nghèo thuở nào. Nơi di tích tọa lạc cũng chính là vị trí của Đồn Cả năm xưa – căn cứ chính trong hệ thống đồn lũy của cuộc khởi nghĩa do thủ lĩnh Phan Bá Vành lãnh đạo.

Thủ lĩnh Phan Bá Vành sinh năm 1790, quê làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương và nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông có tư chất thông minh, sức khỏe phi thường, tinh thông võ nghệ và có biệt tài phóng lao trăm phát trăm trúng. Vào nửa đầu thế kỷ 19, trong bối cảnh người dân sống cơ cực, lầm than dưới sự cai trị hà khắc của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đã có hàng trăm cuộc nổi dậy của nông dân ở khắp các miền quê. Trong đó, tiêu biểu phải kể tới phong trào nông dân khởi nghĩa do thủ lĩnh Phan Bá Vành dấy binh chống lại áp bức bóc lột mà cao điểm là vào giai đoạn từ năm 1821 đến 1827. 

Khởi đầu từ Đồn Cả rồi lan rộng sang các nơi khác, thủ lĩnh Phan Bá Vành đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn. Nghĩa quân Phan Bá Vành đánh đến đâu tịch thu lương thực, ruộng đất, của cải của địa chủ, cường hào chia cho nông dân và dân nghèo nên nhân dân trong vùng châu thổ sông Hồng lúc bấy giờ đã tin tưởng và đi theo ngày càng đông. Trước thanh thế to lớn của nghĩa quân Phan Bá Vành, triều đình nhà Nguyễn hết sức hoang mang, lo lắng và đã phải huy động hầu hết lực lượng quan quân ở Bắc Thành, Nghệ An, Thanh Hóa và một phần ở Huế để đối phó. Do bị triều đình nhà Nguyễn tập trung đàn áp, nghĩa quân Phan Bá Vành đã mất dần vùng chiếm đóng. Sau 7 năm dấy binh, cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, thủ lĩnh Phan Bá Vành bị bắt sống và ông đã tuẫn tiết để giữ vững khí tiết cũng như bản lĩnh anh hùng của một vị thủ lĩnh. 

Đến thăm Khu di tích Đồn Cả Phan Bá Vành hôm nay du khách như được ngược trở về quá khứ để cảm phục về vị thủ lĩnh nông dân cùng các nghĩa sĩ đã xả thân vì nghĩa, để được nghe những câu chuyện lịch sử đầy hào hùng như một dấu son trong chiều dài lịch sử của dân tộc, để thêm tự hào về những người anh hùng trượng nghĩa vì quê hương, đất nước.

Việt Hoa - Trọng Đại

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.