Giai đoạn những năm 1950-1970, Hương Canh nổi tiếng với nghề làm chum, vại, nồi niêu, ấm chén có độ bền cao, mang nét đặc trưng nên được ưa chuộng khắp cả nước. Đến năm 1987, trước sự cạnh tranh gay gắt của đồ nhựa và kim loại, Hợp tác xã gốm Hương Canh phải giải thể. Làng nghề hắt hiu, chỉ còn vài ba hộ sống cầm chừng với nghề.
Nhưng đó là thực trạng của làng gốm Hương Canh khoảng 30 năm về trước. Ngày hôm nay, Hương Canh đang hồi sinh với tình yêu của những con người gắn bó máu thịt với quê hương. Gốm mới phát triển trên nền gốm cổ. Người trẻ lại chính là thế hệ truyền lửa cho các bậc tiền bối.
Bao đời nay, người ta vẫn biết gốm Hương Canh đặc biệt nhất ở nguồn đất sét khai thác tại địa phương. Đây là thứ đất có độ mịn, độ béo, độ dẻo cao. Nếu gốm Thổ Hà và gốm Phù Lãng là gốm có men thì gốm Hương Canh là gốm không men. Nói chính xác hơn, trong đất ruộng của Hương Canh nếu đào sâu xuống khoảng 3 - 4m thì men đã ở trong đất, nên các sản phẩm làm ra không cần tráng men vẫn có độ bóng.
Tiếc cho những giá trị của gốm Hương Canh đang bị “ngủ quên”, họa sỹ Nguyễn Hồng Quang, con trai của nghệ nhân Giang Thị Nhạn đã quyết tâm đem lại sức sống mới cho sản phẩm gốm nơi đây. Sau khi tốt nghiệp khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp HN, với sự trợ giúp của gia đình, anh Quang đã bỏ nhiều công sức, thời gian, tiền bạc… để đầu tư đổi mới gốm Hương Canh. “Chỉ khi nào bạn nâng tầm được giá trị của gốm, gốm mới sống”. Năm 1994, anh bắt đầu làm gốm mỹ thuật, gốm hiện đại… và cũng là người đầu tiên khoác cho gốm Hương Canh một tấm áo mới đầy sức sống.
Với các tác phẩm gốm mỹ thuật của anh Quang, gốm Hương Canh giờ không chỉ được dùng trong “bếp” mà còn được sử dụng như những tác phẩm trang trí, những tác phẩm nghệ thuật. Tính trung bình, mỗi tháng cơ sở sản xuất của anh Quang cho ra đời trên dưới 2.000 sản phẩm gốm, chủ yếu là hàng đặt của khách hàng ở nhiều nơi trên cả nước.
Sau những tháng ngày vất vả tìm lối đi, giờ đây ở Hương Canh đã có khoảng gần chục hộ đầu tư tiền bạc, kiến thức, xây lò làm gốm. Các hộ vừa sản xuất các sản phẩm truyền thống của làng vừa phát triển các dòng gốm mỹ thuật theo đơn đặt hàng, cho doanh thu từ hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm.
Kinh nghiệm bỏ túi:
Thực hiện: Lê Liên - Hoàng Thuyên
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.