Video Làng nghề Việt

Giữ nghề dệt ở A Bung

Vùng miền núi nghèo A Bung, Quảng Trị có một nghề mà người dân nơi đây gắn bó hàng trăm năm qua. Đó là nghề dệt thổ cẩm. Các mẹ, các chị sau những ngày lên nương, lại quây quần bên khung dệt để tạo ra những tấm vải, tấm khăn, tấm áo mang đặc trưng của dân tộc.
09:13 - 01/08/2021

A Bung là một xã biên giới nghèo thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Người Pa Kô sống ở đây quanh năm gắn với rừng núi. Từ thời cha ông họ, lên nương hay trong những công việc trọng đại, họ đều khoác lên mình bộ trang phục với những họa tiết mang đặc trưng để nhận ra người Pa Kô. Ngày nay, với nhiều người Pa Kô, giữ bộ trang phục truyền thống như giữ quá khứ của cha ông cần cù băng núi, vượt rừng. Khi yêu và tự hào với phục trang của dân tộc mình, họ cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn những sắc màu như ngôn ngữ riêng của mình, cũng chính vì thế, trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt vẫn phát triển ở vùng đất này.

Trở về nhà sau những lần lên nương, kiếm củi, chị em người Pa Kô lại quây quần trong ngôi nhà sàn đơn sơ để chuẩn bị những thứ cần thiết chờ nhau đến cùng dệt. Bên bếp lửa đơn sơ, quanh năm rực cháy ngọn lửa của cuộc sống ấm nóng, các chị vừa trò chuyện về một ngày lên rừng vừa nhanh tay cuốn sợi. Trước kia, trang phục của người Pa Cô được dệt từ một số loại nguyên liệu trồng trên núi. Khi ấy, phụ nữ Pa Cô thường vào rừng lấy sắn mang về phơi khô sau đó giã thành bột rồi mới xe sợi mang dệt. Ngày nay, những người phụ nữ này không còn vào rừng kiếm sắn làm sợi nữa, họ dùng các loại có sẵn mua trong các phiên chợ. 

Kỹ thuật dệt của người Pa Kô ở xã A Bung không có gì đặc biệt. Màu sắc và họa tiết cũng không quá cầu kỳ. Nhưng điều quan trọng ở đây chính là sự gắn bó của những người phụ nữ miền núi với nghề dệt hàng trăm năm qua. Từ khi có trang phục riêng của dân tộc mình, đó cũng là lúc mảnh đất này hình thành nên nghề dệt. Trải qua thời gian cùng những đổi thay của cuộc sống, trong khi nhiều nơi nghề dệt thổ cẩm đã mai một, thì tại vùng đất này, dệt vẫn là một phần cuộc sống của những người phụ nữ. Ai cũng có cả chục năm gắn bó. Với họ, đây như cách để họ lưu lại truyền thống quý báu của dân tộc. 

Họa tiết trang phục của người Pa Kô khá đơn giản. Trước kia, người Pa Cô dệt vải chủ yếu với hai màu cơ bản, đen và đỏ. Đây là những sắc màu khá gần với tự nhiên như đất và là yếu tố cần thiết trong cuộc sống là lửa. 

Từ 2 màu truyền thống này, trang phục của người Pa Cô hiện nay đã được dệt đan xen thêm những sợi chỉ nhiều màu sắc tạo sự phong phú. Các chi tiết trang trí thêm cũng được chị em áp dụng để tạo nên những bộ trang phục mới lạ, đẹp phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.


Kinh nghiệm bỏ túi

  • Thôn A Bung, xã Tà Rụt nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm huyện Đakrông (Quảng Trị) khoảng 60 km.
  • Đây là nơi có phong cảnh của núi non tươi đẹp cùng những nếp nhà đơn sơ của đồng bào Pa Kô
  • Đến xã Tà Rụt du khách không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tìm hiểu về nghề dệt truyền thống, cũng như cuộc sống của đồng bào nơi đây mà còn có cơ hội thưởng thức những giá trị văn hóa đặc sắc của người Pa Kô quanh năm sống gắn với núi rừng.


Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.