Những gốc cây thô mộc được chuyển đến cho những nghệ nhân ở xã Lâm Sơn là nguồn nguyên liệu quý hiếm của thiên nhiên. Đó là những gốc cổ thụ đã chết trong tự nhiên, chỉ còn lại phần lõi, được gọi là gỗ lũa. Phần lõi hay xương gỗ này không bị hư hỏng dù trầm mình trong mưa gió, hay bị vùi sâu trong bùn đất bao năm tháng. Và chỉ có những loại gỗ tốt có đủ khả năng chịu được sự xói mòn và tác động của thiên nhiên mới có thể hóa thành gỗ lũa, như các loại gỗ quý: hương, mun, lim, nghiến, táu... Điều đó đã cho thấy giá trị quý hiếm trong nghề làm chế tác gỗ lũa ngay từ nguồn nguyên liệu.
Mỗi gốc gỗ lũa đều là duy nhất, từ hình dáng, kích cỡ, cho đến màu sắc. Dựa vào đặc điểm hình thành của gỗ lũa mà người ta chia thành 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió.
Loại lũa nằm sâu trong lòng đất giữ nguyên được đặc tính và màu tự nhiên của gỗ. Do khó tìm kiếm và khó đào nên giá thành loại gỗ lũa này tương đối cao.
Gỗ lũa ở dưới bùn, sình lầy thường có màu nâu đen do bị ngâm dưới nước lâu ngày. Đây là loại gỗ lũa có giá thành tương đối thấp.
Lũa được hình thành bởi mưa, gió thường dễ khai thác nhất, có độ cứng cáp nhất và có nét đẹp tự nhiên, có màu sắc tự nhiên và các vẫn gỗ đều màu, đẹp mắt nên được nhiều người chơi lũa ưa thích.
Chế tác gỗ lũa là một nghề đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi người làm nghề có đam mê và đầu óc thẩm mỹ mới có thể chinh phục và gắn bó với nghề. Không chỉ tạo tác theo ý muốn như chạm khắc gỗ mỹ nghệ mà người chế tác gỗ lũa vừa phải giàu trí tưởng tượng, sáng tạo để vừa bảo đảm tính tự nhiên nguyên bản của gỗ, vừa toát lên ý nghĩa sâu xa của sản phẩm để mang lại cái đẹp vừa mộc mạc, vừa có hồn, vừa cuốn hút. Nhưng càng gắn bó với nghề, người thợ càng say nghề, càng có thêm sự sáng tạo trong việc chế tác, tạo ra những tác phẩm mỹ nghệ độc nhất vô nhị.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.