Video Về chốn linh thiêng

Hợp Thịnh - Vùng đất văn hóa, lịch sử cách mạng

Nằm ở phía nam huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Hợp Thịnh là vùng đất có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được nhiều người biết đến, cũng như có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú...
09:13 - 01/08/2021

Mặc cho những biến đổi của thời cuộc đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, diện mạo của Hợp Thịnh hôm nay thì trên vùng đất này, vẫn có những khu vực gần như là bất khả xâm phạm, trở thành một thứ biểu tượng văn hóa lâu đời của làng quê Việt Nam. “Cây đa, bến nước, sân đình” ở Hợp Thịnh là một trong những thứ như thế. 

Đình Hội Thịnh là ngôi đình được gọi theo tên làng Hội Thịnh xưa - một làng lớn của tổng Hội Hạ, tiền thân của xã Hợp Thịnh ngày nay. Đình còn có tên khác là đình Làng Hạ, được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 16 – đầu thế  kỷ 17 thờ Thành Hoàng là cụ Phùng Văn Minh, người Làng Hạ đã có công lớn trong việc phò vua cứu chúa, làm quan tới chức Đô Thái giám - Tước Văn Thụy Hầu thời vua Lê, chúa Trịnh. 

Đình làng, dù bé hay lớn thì từ bao đời nay vẫn là nơi thân quen, gắn bó với tâm hồn của người dân, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, gần như là đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã nhưng cũng là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung.

Với người Hợp Thịnh bao đời nay, đình Hội Thịnh hệt như một mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Sau nhiều đời, nhiều thế hệ, ngôi đình đã được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên vị trí trên nền đất cũ. Cây đa gần trăm tuổi vẫn ngày ngày tỏa bóng mát bên cạnh mái đình. Năm 2011, đình Hội Thịnh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Nhưng điều khiến người dân Hợp Thịnh tự hào về vùng đất này không chỉ ở bề dày văn hóa mà còn là những trang sử cách mạng vẻ vang của một xã được Chính phủ công nhận là xã An toàn khu. 

Miếu Ấp Hạ (hay còn gọi là Đền Mốc) là nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử rõ ràng nhất về hoạt động cách mạng trên địa bàn xã Hợp Thịnh. Vào tháng 3 năm 1940, tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của 2 tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên đã ra đời chính tại ngôi miếu này. Sự kiện đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng ở đây.

Hiện cả 3 di tích trên địa bàn xã Hợp Thịnh đều được chính quyền và nhân dân chăm sóc, tu bổ khang trang, đẹp đẽ. Cả ba đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và là niềm tự hào của nhân dân xã Hợp Thịnh nói riêng, nhân dân huyện Tam Dương nói chung. Để rồi mỗi ngày hội làng, hội đình, người con Hợp Thịnh dù có đi bốn phương trời vẫn nghe theo tiếng gọi của nguồn cội, trở về để được tắm mình trong bầu không khí hồn hậu, ấm áp của quê hương. 

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.