Xã Tà Xùa hiện có hơn 200 cây chè cổ thụ có tuổi đời từ 100 đến gần 300 tuổi được công nhận là cây di sản. Đây là những cây chè thuộc sở hữu của người dân xã Tà Xùa. Từ đời cha ông rồi đến bố mẹ đã trồng, chăm sóc và đến nay con cái lại được thừa hưởng một “gia tài” là những cây chè bén rễ trên mảnh đất quê hương từ năm này sang năm khác cho ra búp xanh tươi.
Ở Tà Xùa, quanh bản làng là những vườn chè xen lẫn với những nếp nhà bằng gỗ đơn sơ. Cây chè ở đây, ít cũng có tuổi đời hàng chục năm.
Nằm ở độ cao trên 1500m so với mực nước biển, với độ ẩm cao, không khí lạnh và mây mù bao phủ rất thích hợp cho những cây chè phát triển. Các cây chè cổ thụ ở Tà Xùa một năm có 3,4 đợt búp, thu hái vào các tháng 2, 4 hoặc 8, 10. Thời gian thu hái thường là vào sáng sớm những ngày trời mát, nếu có nhiều sương mù càng tốt. Theo người dân, đó là khoảng thời gian búp chè đang ngậm sương, lúc này sẽ cho nguyên liệu ngon nhất để sản xuất chè. Khi hái không được đụng đến búp chè vì ở đó có lớp lông mà người dân quen gọi tuyết dày, vị đặc biệt của chè nằm ở đó.
Từ hàng trăm năm nay, người dân Tà Xùa vẫn coi chè là một loại cây quý, gắn bó với cuộc sống, coi những búp chè là món quà thiên nhiên ban tặng hái về để tạo ra thứ nước có hương vị đặc biệt.
Trong cái se se lạnh của Tà Xùa, giữa mây trời và sự yên bình của bản làng, uống chén trà Tà Xùa sẽ là cảm giác khó quên đối với mỗi ai đến đây. Chè Tà Xùa không có vị đắng, chỉ có vị ngọt thanh lưu lại nơi cuống họng, cũng giống như sự chân thành, hiếu khách của người Mông ở thiên đường mây Tây Bắc. Vì thế, đến Tà Xùa mà không thưởng trà, không tìm hiểu về nếp sống, truyền thống của bản làng, là bạn đã bỏ lỡ một cơ hội hiểu về mảnh đất này.
Kinh nghiệm bỏ túi:
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.