Sảng Tủng một ngày nắng vàng. Đưa mắt trông ra, ta bắt gặp màu đen của những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt lấp lánh trong nắng xen với màu xanh của những ruộng ngô, màu xanh của ít ỏi các loại cây có thể mọc lên từ đá. Láng hương – nguyên liệu chính để làm ra que hương của người H’Mong cũng là một trong số ít những cây có thể sinh trưởng được ở vùng cao nguyên đá khí hậu khắc nghiệt này.
Người H’Mong có cách gọi loại lá này riêng theo tiếng của dân tộc mình, dịch nôm na ra tiếng phổ thông là láng hương, nên với du khách đến đây cũng được giới thiệu là cây láng hương.
Loài cây của núi rừng có mùi hương đặc biệt này ưa sống trong rừng sâu, và chỉ sinh trưởng được ở một số vùng nhất định trên địa bàn huyện Đồng Văn, thế nên để có lá làm hường, người dân Sảng Tủng hoặc là trực tiếp vào rừng hái, hoặc là phải đi thu mua lại, chứ không thể đem về trồng nếu như đó không phải là vùng vốn có lá láng hương sinh trưởng.
Lá láng hương sau khi đem về nhà sẽ được đem phơi khô, đem hong lửa cho giòn. Và ở đây những bếp hong lá làm hương cũng được tạo nên từ chính những phiến đá nằm rải rác xung quanh nhà. Những chiếc bếp tự nhiên ấy đã cùng người H’Mong ở Sảng Tủng làm hương hàng trăm năm nay.
Lá sau khi đã khô sẽ được đem về xay thành bột. Ngày xưa đồng bào phải giã tay, nay đã có máy móc hỗ trợ, việc làm hương trở nên đỡ vất vả đi nhiều.
Bột lá sẽ được đem trộn với bột than theo một tỉ lệ nhất định, trộn với nước cho đặc sánh rồi mới bắt đầu được đắp vào phần chân hương. Bắt đầu từ công đoạn trộn bột, các khâu còn lại đều được làm hoàn toàn thủ công. Người ta nói, ngoài bột lá láng hương và bột than, người H’Mong ở Sảng Tủng còn thêm những bột gỗ được lấy trong rừng sâu tạo mùi hương đặc trưng cho hương. Đây là bí kíp riêng, chỉ người trong vùng mới biết.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.